(CATP) Trong khi các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau kiểm tra thông tin liên quan đến nghi vấn ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh có "sân sau" là Công ty cổ phần Vạn Phúc (số 63 Ngô Quyền, TP.Cà Mau) thì ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh có những trả lời trên báo chí trái với kết luận thanh tra.
Bất ngờ phát ngôn của giám đốc
Theo đơn tố cáo, Công ty cổ phần Vạn Phúc (gọi tắt là Công ty Vạn Phúc) trước đây do bà Tạ Thị Diệu Liên, vợ ông Sa làm người đại diện theo pháp luật, chuyên hoạt động phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa; chuyên bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế mỹ phẩm vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh... Năm 2016, ông Sa lên giữ chức Phó giám đốc sở, công ty chuyển đổi tư cách pháp nhân, bà Liên trở thành người làm thuê nhưng ký chức danh giám đốc (?). Qua kiểm tra, nhiều gói thầu ở trung tâm y tế các huyện, Công ty Vạn Phúc trúng thầu. Dư luận cho rằng, Công ty Vạn Phúc núp danh ông Sa để hoạt động sai với Luật đấu thầu. bà Liên trên danh nghĩa làm thuê nhưng không có bảng lương và mới đóng bảo hiểm xã hội tháng 3-2021 tại Công ty Vạn Phúc.
Báo chí phản ánh, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra thông tin, xử lý theo đúng pháp luật thì ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau trả lời báo chí không đúng thực tế. Theo đó, ông Dũng cho rằng ông Nguyễn Hoàng Sa được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Sở Y tế từ ngày 2-12-2015. Tại Quyết định số 541/QĐ-SYT ngày 19-8-2016 của Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, ông Sa chỉ được phân công trực tiếp tham gia phụ trách công tác dược, y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đến ngày 30-10-2018, Giám đốc Sở Y tế ra Quyết định số 905/QĐ-SYT phân công ông Sa phụ trách thêm công tác bảo hiểm y tế.
"Công tác kiểm tra, rà soát giai đoạn từ năm 2015 đến thời điểm hiện tại cho thấy ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó giám đốc Sở Y tế, không có tên trong quyết định Tổ thẩm định của các dự án mua thuốc tập trung cho các cơ sở y tế công lập của tỉnh. Do vậy, thông tin cho rằng ông Sa làm Tổ trưởng tổ thẩm định và lại có tên ở bên mời thầu, làm Tổ phó là không có cơ sở". Đối với các gói thầu vật tư y tế do chủ đầu tư là các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện, không phải qua đấu thầu tập trung tại Sở Y tế như đấu thầu thuốc; việc lựa chọn nhà thầu là do các cơ sở khám chữa bệnh tự tổ chức chấm thầu theo quy định của pháp luật.
Sở Y tế tỉnh Cà Mau
Không đúng kết luận của thanh tra
Trước phát biểu của ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, nhiều báo chí đăng tải phỏng vấn trên. Thế nhưng thực tế không đúng. Ngày 2-6-2020, Thanh tra tỉnh Cà Mau ký thông báo kết luận số 15/TB-TT việc quản lý sử dụng bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh do ông Huỳnh Việt Ân, Phó chánh Thanh tra tỉnh ký ghi rõ: "Ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau chịu trách nhiệm về các sai phạm trong đấu thầu thuốc và với vai trò Tổ trưởng bên mời thầu (Tổ chuyên môn đấu thầu mua thuốc năm 2017)".
Cụ thể, ngày 26-6-2017, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau có công văn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu không đưa 2 loại thuốc alphachymotripsin 4,2mg dạng viên ngậm và paracetamol 650mg dạng viên sủi vào danh mục, dự trù số lượng của kế hoạch đấu thầu 2017 - 2018... vì thuốc có đường dùng, dạng bào chế hoặc hàm lượng ít cạnh tranh. Ngoài ra, paracetamol với hàm lượng 650mg dạng viên sủi không có trong Dược thư quốc gia, Dược điển Việt Nam và cũng không có biệt dược gốc đối chứng (Efferalgan). Trong quá trình thẩm định có nêu trong báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu (số 02/SYT-TĐ ngày 7-8-2017), đề nghị bên mời thầu xem xét kiểm tra lại, nhưng ông Nguyễn Hoàng Sa (Tổ trưởng bên mời thầu) vẫn trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có 2 loại thuốc trên và được trúng thầu.
"Bên mời thầu vẫn đưa vào danh mục kế hoạch lựa chọn nhà thầu 2/9 hoạt chất: Thuốc có hàm lượng và dạng bào chế ít cạnh tranh, giá cao hơn thuốc có hàm lượng thông dụng có tác dụng tương tự... dẫn đến số tiền chênh lệch tăng hơn 640,1 triệu đồng" (Trích kết luận thanh tra). Thanh tra tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Nguyễn Hoàng Sa với các sai phạm như trên.
Lạ lùng là kết luận Thanh tra đã triển khai, ông Sa làm tăng chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân hơn 640 triệu đồng nhưng chỉ dừng lại hình thức kiểm điểm khiển trách. Trao đổi với báo chí, ông Dũng trả lời: "Sở Y tế Cà Mau đưa 2 loại thuốc nói trên vào đấu thầu thuốc tập trung, bởi đây không phải là loại thuốc có hàm lượng mà ở dạng bào chế ít cạnh tranh. Thực tế, 2 loại thuốc này rất cần thiết cho công tác khám chữa bệnh tại tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung, đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép đấu thầu sử dụng rộng rãi cho bệnh nhân tham gia Bảo hiểm y tế và được Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau chấp nhận thanh toán".
Sự thật được phơi bày
Để tránh dư luận phát hiện, năm 2016, khi rời chức danh người đại diện Công ty Vạn Phúc, bà Tạ Như Ý, cháu bà Liên có ký ủy quyền cho bà Tạ Thị Diệu Liên được thay mặt giám đốc xử lý công việc của công ty. Thế nhưng, "người làm thuê” không lương, không bảo hiểm lại ký văn bản Công ty Vạn Phúc gởi Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau với chức danh giám đốc. Kiểm tra giấy ủy quyền số 12 (ký ngày 30-12-2019 có hiệu lực đến ngày 31-12-2020) và giấy ủy quyền số 16 (ký ngày 15-12-2020 có hiệu lực đến ngày 31-12-2021) của bà Ý ủy quyền cho bà Liên nhiều bất ngờ. Tại nội dung 2 giấy ủy quyền ghi: thay mặt giám đốc ký 1 số hợp đồng được chỉ định; báo cáo các hoạt động của công ty; được theo dõi hoạt động của công ty, ký 1 số văn bản, thực hiện 1 số nhiệm vụ được phân công cụ thể của giám đốc. Tuy nhiên, giấy ủy quyền số 16 là chưa hợp lệ vì chồng lấn thời gian từ 15-12 đến ngày 31-12-2020.
Người được ủy quyền, không nhân danh là giám đốc (tư cách độc lập) mà phải là người đại diện theo ủy quyền của giám đốc trong các giao dịch. Do đó, văn bản bà Liên ký không đúng theo quy định của pháp luật. Có chăng, bà Liên ký gởi các cơ quan nhà nước với "mục đích" khác. Còn việc bà Tạ Thị Diệu Liên ký tên dưới mục người bán hàng và con dấu của Công ty Vạn Phúc lại không hợp lý bởi theo ủy quyền, bà Liên có thể ký tên trên hóa đơn nhưng không được đóng dấu ngay tên của chủ doanh nghiệp mà chỉ có đóng giấu treo (?). Dư luận đang chờ kết quả kiểm tra của các cơ quan chức để xử lý theo đúng pháp luật.