Cần có chính sách "hậu covid-19" cho trẻ em
Ngày 14-9, Sở Giáo dục và Đào (GD-ĐT) với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM về tình hình đầu năm học mới. Trong đó có thông tin TPHCM hiện có khoảng 1.500 học sinh mồ côi cha hoặc mẹ vì Covid-19 ở khắp các quận huyện, TP.Thủ Đức; trong đó trẻ em mồ côi nhiều nhất ở quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Hóc Môn.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, trong khoảng 1.500 học sinh mồ côi, hơn 490 em tiểu học, 580 em THCS, còn lại là THPT, giáo dục thường xuyên. Ngoài ra TPHCM có 10.073 em bị mắc Covid-19 (cả nước là hơn 11.800 em mắc Covid-19, chiếm tỷ lệ cao nhất nước). Trong số học sinh mắc Covid-19 ở TPHCM, nhiều nhất ở bậc tiểu học và THCS; và gần 3.400 giáo viên, nhân viên ngành giáo dục mắc Covid-19.
Thực ra, thời điểm hiện tại khi mà dịch Covid-19 ở TPHCM vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa phải là thời điểm tổng kết những số liệu đau lòng đó nhưng cũng cho thấy hậu quả khủng khiếp của cơn đại dịch Covid-19 càn quét qua TPHCM. Vẫn chưa có số liệu tương tự ở các tỉnh thành khác, đặc biệt là các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng chắc chắn TPHCM trẻ em mồ côi vì Covid nhiều nhất, vì đơn giản là địa phương có số lượng người nhiễm cao nhất nước, số tử vong vì Covid-19 cũng vậy.
Bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT nêu lên những con số đau lòng ấy, để xã hội, chính phủ cần có những chính sách "hậu Covid-19" với các đối tượng đặc biệt này.
Một bé trai người Philippines khuôn mặt buồn rười rượi, trong tay ôm chiếc gối in hình bố mình đã chết vì đại dịch Covid-19. (Ảnh AP/Aaron Favila)
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cũng đã có quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng với những em bé sinh từ 27-4 đến 31-12, có mẹ mắc Covid-19. Ngoài ra còn có mức hỗ trợ 2 triệu đồng dành cho các em có cha, mẹ mắc Covid-19 đã qua đời; các em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do đại dịch.
Sở LĐ-TB-XH TPHCM cũng hỗ trợ các trường hợp trẻ em là F0, như hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian điều trị, hoặc bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung; thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày đối với F0 và 21 ngày đối với F1.
Liên quan đến việc hỗ trợ trẻ mồ côi vì Covid-19, Sở LĐ-TB-XH cho biết, theo quy định mức trợ cấp hàng tháng cho trẻ mồ côi dưới 4 tuổi là 900.000 đồng, 4 tuổi trở lên là 540.000 đồng. Ngoài ra các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và các khoản khác ở trường, thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Các chính sách trợ giúp xã hội khác được duy trì đến 22 tuổi khi các em học văn hóa, học nghề, cao đẳng, đại học.
Dẫu cho đến nay chưa thể tổng kết hậu quả của đại dịch Covid-19 nhưng những con số của Sở GD-ĐT TP đưa ra khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ. Vấn đề không chỉ là các nguồn hỗ trợ nhỏ nhoi đó. Vấn đề lớn nhất là những sang chấn tâm lý, sẽ để lại những hậu quả xã hội lớn hơn nhiều, đặc biệt với những trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ trong đại dịch Covid-19 lần này.
Rồi sẽ đến lúc TPHCM và cả xã hội phải có những biện pháp tích cực hơn để chăm sóc cho các em bơ vơ sau đại dịch. Cần lắm những quỹ thiện nguyện đủ mạnh cả trong và ngoài nước mới đủ sức chăm lo cho các em ở nhiều khía cạnh khác, đặc biệt là về khía cạnh tâm lý. Đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta, của xã hội ở thời kỳ "hậu đại dịch Covid-19". Ở nước ta hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về tâm lý với các đối tượng này, nhưng kết quả có thể thấy trước được là những mảng xám kinh khủng.
Cách đây không lâu, một cháu gái đang học đầu cấp 2 ở Trường THCS Lê Văn Tám (Bình Thạnh), sống một mình với bà nội. Không may bà nội cháu mất vì Covid-19 mà gần 1 tháng vẫn chưa nhận được tro cốt của bà, cháu gái ấy sống trong tuyệt vọng và chắc chắc chắn vết thương tâm lý nặng nề theo cháu suốt đời.
Dẫn một trường hợp buồn đau đó để thấy rằng không chỉ về vật chất, các biện pháp tâm lý với trẻ em mồ côi vì đại dịch hết sức quan trọng, giúp các em lấy lại cân bằng tâm lý, đủ sức đi tiếp để trưởng thành.
Các nhà tâm lý đưa ra nhận định, khi trẻ mất cha hoặc mẹ, không chỉ mất người mà chúng yêu thương mà còn mất đi chỗ dựa tài chính. Các em có nguy cơ phải bỏ học nhiều hơn, dễ dẫn đến các chứng lo lắng, trầm cảm; đặc biệt có cảm giác như mất kiểm soát cuộc đời.
Cần nâng đỡ kịp thời để giúp các em vượt qua cú sốc
Nước Mỹ cũng là quốc gia có nhiều trẻ mồ côi vì có cha mẹ mất vì Covid-19. Theo nhà tâm lý Kathryn Cullen (Đại học Y khoa Minnesota), thời điểm hỗ trợ có thể rất quan trọng: "Trong hai năm đầu sau khi mất bố/mẹ là giai đoạn cực kỳ rủi ro mắc chứng trầm cảm".
Những nghiên cứu đó cho thấy việc giúp đỡ, nâng đỡ kịp thời cho trẻ em mồ côi vì Covid-19 ở nước ta nên tiến hành sớm, ngay thời điểm hiện nay để giúp các em vượt qua những cú sốc rất lớn về tinh thần.
Không chỉ ở nước ta, Ấn Độ là quốc gia cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì dại dịch Covid-19. Theo thống kê của chính phủ Ấn Độ, nước này có hơn 3.000 trẻ em mất bố mẹ vì đại dịch. Đó là những đứa trẻ như những nhân chứng sống cho thảm kịch Covid-19 đã tàn phá các gia đình và lấy đi hàng nghìn sinh mạng người dân nước này.
Chính quyền Ấn Độ tuyên bố sẽ trợ cấp 7-68 USD/tháng cho mỗi trẻ mồ côi, cùng lời hứa miễn phí lương thực và giáo dục. Thủ tướng Narenda Modi thề rằng sẽ "đảm bảo những đứa trẻ được giáo dục đàng hoàng và có cơ hội tương lai". Chính phủ Ấn Độ cho biết, các trẻ mồ côi sẽ được hưởng bảo hiểm y tế của Chính phủ qua Quỹ PM Cares cho đến khi các em 18 tuổi; được chi trả học phí, đồng phục và sách vở cho trẻ em mồ côi. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ sẽ sử dụng Quỹ PM Cares để cung cấp khoản trợ cấp trị giá 1 triệu rupee (tương đương 13.805USD) cho mỗi trẻ em mồ côi khi tròn 18 tuổi. Khi đó, hằng tháng họ sẽ nhận được số tiền trợ cấp trích từ số tiền trên cho đến năm 23 tuổi.
Tuy nhiên UNICEF vẫn tỏ ra lo ngại trẻ em Ấn Độ có nguy cơ bị bỏ rơi hoặc bóc lột nếu không được bảo vệ, giúp đỡ, trong khi nạn buôn bán trẻ em ngày càng tràn lan ở Ấn Độ, cả bị lạm dụng tình dục.
Dịch bệnh đã và đang đe dọa đến sức khỏe tinh thần của các em khi phải cách ly lâu ngày, làm tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo lực, làm gián đoạn việc học tập của trẻ. Đặc biệt với trẻ em mồ côi vì cha mẹ mất trong dại dịch cần được cả xã hội quan tâm để giúp các em vượt qua cú sốc tinh thần càng sớm càng tốt. Đó là trách nhiệm của cả xã hội.
Sẽ có ứng dụng tìm người thân, người mất vì Covid-19
Các cơ quan chức năng tại TPHCM đang phối hợp triển khai xây dựng và sẽ đưa vào sử dụng thử nghiệm ứng dụng di động tìm người thân, hoặc danh sách người dân mất vì đại dịch Covid-19, giúp cho người thân tra cứu, tìm kiếm nơi lưu giữ tro cốt của người thân mất vì đại dịch.
Các ứng dụng nêu trên đang được Đảng ủy khối cơ sở Bộ Công thương tại TPHCM cùng với Bộ Tư lệnh TP, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung và Hội Tin học TP hợp tác triển khai xây dựng và phát triển.
Đây là hệ thống có thể vừa chạy trên trình duyệt web vừa là ứng dụng di động để dễ tra cứu và tìm kiếm người thân. Ứng dụng có thể cung cấp các thông tin của các bệnh nhân Covid-19 từ lúc nhập viện đến khi ra viện, hoặc tử vong và sau tử vong.
Với nạn nhân tử vong, người thân có thể truy xuất dữ liệu qua mã QR để biết mọi thông tin về tình trạng xử lý, nơi an táng, nơi lưu giữ tro cốt...
Đây là hoạt động xã hội thiện nguyện, mang tính nhân văn, để hỗ trợ cộng đồng, gia đình người bệnh, góp phần chia sẻ nỗi đau với gia đình người đã mất vì Covid-19 trên địa bàn TPHCM.
Hiện nay ứng dụng đang được xây dựng và đã đưa vào sử dụng thử nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, nhà tang lễ TP. Sau đó sẽ triển khai cho các cơ sở y tế khác đang điều trị các bệnh nhân Covid-19.