Sau lũ… là nỗi đau quặn thắt

Thứ Bảy, 31/12/2016 13:33

|

(CAO) “Chú ơi, còn mì tôm không chuyển xuống cho bà con chúng tôi với, họ đói mà chẳng có gì ăn”, cuộc điện thoại vào sáng nay (22-12) từ người dân vùng lũ Phú Sơn, TX.Nhơn An, tỉnh Bình Định khiến chúng tôi thắt lòng.

Trong lịch sử, chưa bao giờ Bình Định bị thiệt hại nặng nề do lũ gây ra như năm nay. 5 đợt lũ liên tiếp trong vòng 1 tháng. Nước lũ rút chậm khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập trong nhiều ngày. Lúa gạo, gia súc gia cầm, tài sản, nhà cửa… bị lũ cuốn trôi, kéo sập làm hàng trăm gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu thốn lương thực, nước uống.

Lũ quét sạch chẳng còn gì

Thấy đoàn chúng tôi vừa tấp chiếc sõng đến ngõ, cụ bà Phạm Thị Hồng (78 tuổi, ở khu dân cư Phú Sơn) méo máo: “Hết sạch rồi con ơi. Có mấy bao lúa, ít con gà nuôi để dành ăn tết bị lũ cuốn đi rồi”. Căn nhà cấp bốn của cụ Hồng vẫn còn bùn non bám đầy nền nhà. Áo quần, giường chiếu còn thấm nặng nước lũ.

Bị nước cô lập, người dân ở khu dân cư Phú Sơn chèo sõng đi nhận mì tôm, gạo cứu trợ

Khu dân cư Phú Sơn, P.Nhơn Hòa, TX.An Nhơn, tỉnh Bình Định có gần 200 hộ dân. 7 ngày sau cơn lũ, tuyến đường chính từ quốc lộ dẫn vào khu dân cư này vẫn còn bị cô lập, xung quanh là biển nước. Các hộ dân nơi đây sống qua ngày bằng mì tôm, nước uống của các đoàn từ thiện hỗ trợ.

“Nhai khô mì tôm chứ củi lửa ở đâu mà nấu nước sôi. Chúng tôi còn phải tranh thủ hứng nước mưa để mà uống”, chú Phạm Ngọc Anh Nhân (42 tuổi) cho hay.

Chèo sõng đưa chúng tôi đến tận các ngôi nhà bị nước lũ bao vây tứ phía, anh Nguyễn Văn Đường cho biết, bà con ở khu dân cư này cầm cự qua ngày là nhờ mì tôm. Toàn bộ lúa gạo, gà vịt, heo… đã theo cơn lũ trôi xuôi. “Có mì tôm nhai để tiếp tục sống là mừng rồi”, anh Đường tâm sự.

Gọi điện cho PV, anh Đường nói người dân đã dùng hết số mì tôm trong đợt cứu trợ vừa qua và hiện đang thiếu cái ăn, nước uống. "Chú ơi, còn mì tôm không chuyển xuống cho bà con chúng tôi với, họ đói mà chẳng có gì ăn”, anh Đường gọi điện cho PV vào sáng nay (22-12).

Số quần áo bị ngập trong nước lũ được vợ chồng anh Hạ mang ra phơi khắp sân

May mắn hơn các hộ dân khác, anh Bùi Văn Hạ (49 tuổi) còn giữ lại được hai con bò. “Lũ ngập lút nóc nhà. Tôi phải cột hai con bò lên nóc ngọn cây xoài và ngồi ở trên đó 1 ngày đêm để giữ khỏi bị nước trôi đi”, anh Hạ nói.

Vợ chồng anh Hạ có 3 người con, do không có đất làm nhà nên phải ở nhờ nhà người anh. “Chúng tôi nhịn đói 1 ngày đêm để chờ nước rút và mì tôm cứu trợ”, chị Diệp Thị Lan (50 tuổi) vợ anh Hạ cho hay.

“Lũ về đột ngột, tôi chỉ kịp chuyển 3 đứa nhỏ lên núi. Tài sản bị cuốn theo nước lũ rồi, bây giờ chỉ còn lại cái nhà trống trơn. Chúng tôi phải hứng nước mưa để lấy nước mà uống và ăn tạm mì tôm cứu trợ sống qua ngày”, cô Trần Thị Hoa (55 tuổi) nói.

Vườn mai của chị Lâm Thị Thập ở xã Nhơn An ngập lút ngọn trong cơn lũ vừa qua

Nói về thiệt hại ở địa phương, ông Phan Long Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn An, toàn xã có hơn 1 triệu chậu mai kiểng bị nước lũ gây ngập úng. Trong đó, thôn Háo Đức bị ngập nhiều nhất (450 ngàn chậu), rồi đến thôn Thuận Thái (hơn 200 ngàn), thôn Thanh Liêm (hơn 100 ngàn)... “Người trồng mai ở địa phương tôi đang gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất từ trước tới nay, do lũ gây ra”, ông Hùng tâm sự.

Nhà cửa tan hoang

Tính đến chiều 21-12, nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn mênh mông nước. Nhiều tuyến đường dẫn vào khu dân cư bị nước lũ chia cắt khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tuyến đường dẫn vào xã Phước Sơn vẫn còn ngập nước - Ảnh chụp chiều 21-12

Chúng tôi phải lội nước 3 lần mới đi đến được thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, H.Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là địa phương có nhà sập nhiều nhất ở xã này. Toàn bộ cánh đồng vẫn còn ngập trong nước.

Chỉ vào căn nhà bị đổ sập hoàn toàn, cụ ông Ngô Chuyện (90 tuổi) cho biết: “Giờ phải nhờ chính quyền hỗ trợ thôi chứ tôi biết lấy đâu ra tiền mà xây nhà. Bữa ăn hằng ngày còn phải nhờ con, nhờ cháu”.

Cách đó vài trăm mét là ngôi nhà của bà Trần Thị Cân (67 tuổi) cũng tan hoang. Căn nhà cấp 4 bị bão đánh sập. Hiện tại bà Cân và người cháu phải ở nhờ nhà hàng xóm.

Nhà của bà Cân bị sập hoàn toàn trong đợt bão vừa qua

Tương tự, nhà của chú Phạm Liên (55 tuổi), cụ Dương Thị Đưa (87 tuổi) và của chị Trần Thị Lệ Hiền (38 tuổi) bị sập hoàn toàn. Các hộ dân này đều tá túc nhà hàng xóm. “Phải vay mượn chứ nhà nghèo quá lấy tiền đâu ra mà xây lại”, chú Liên nói.

Đợt lũ vừa qua làm 11 huyện, thị xã với 100 xã, phường ở Bình Định bị ngập lụt. Trong đó khoảng 50 xã, phường bị ngập sâu, 26 xã bị cô lập.

Nhà dân tan hoang sau bão

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đợt mưa lũ vừa qua là cơn lũ lịch sử, lớn nhất trong vòng 50 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh. Lũ lụt đã tàn phá nhiều nơi, làm cho toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh bị kéo lùi hơn 10 năm về trước; ước tỉnh tổng thiệt hại lên đến 1.965 tỉ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang