Cảnh giác khi con không phản ứng với âm thanh
Mẹ của bé G.N.B.N. (6 tuổi, ngụ tại TP.HCM) chia sẻ, khi sinh cháu ra bé hoàn toàn khỏe mạnh. Chị cũng không nghĩ con mình bị điếc sâu. Khi cháu bé 3 tháng tuổi, cháu vẫn phản ứng nhìn theo mẹ nhưng đến 8 tháng tuổi cháu không có phản ứng với âm thanh. Lúc này, chị đưa con đi kiểm tra thính lực mới biết cháu bị bệnh điếc sâu.
Anh chị không có tiền để mua máy trợ thính cho con nên chỉ còn biết trông chờ cơ hội. Đến năm cháu 3 tuổi, chị mới có tiền phẫu thuật cấy ốc điện tử cho bé.
Chị vui mừng cho biết: "Sau khi được các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cấy ốc tai điện tử cho bé, đến nay bé đã nghe được bình thường, hòa nhập tốt với cộng động. Hiện bé đang học trường mầm non, chuẩn bị năm sau vào lớp 1".
Tương tự là trường hợp cảu bé N.G.B. (6 tuổi). Bé cũng được ba mẹ phát hiện không có phản ứng gì với âm thanh. Sau khi được cấy ốc tai điện tử, hiện bé đã hòa nhập tốt, đang theo học lớp lá tại trường mầm non.
Sau khi được cấy ốc tai điện tử, hiện bé N.G.B. đã hòa nhập tốt, đang theo học lớp lá tại trường mầm non. Ảnh: NĐ
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 1.000 trẻ em ra đời thì có từ 3-5 trẻ bị suy giảm thính lực do nhiều nguyên nhân.
BS Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, riêng tại BV Nhi Đồng 1, trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 300 - 500 trẻ em có liên quan đến thính lực, nghe kém. Đáng lưu ý là, trong số đó, nhiều bé bố mẹ không hề hay biết con mình bị kém nghe.
Suy giảm thính lực khiến trẻ mất tự tin trong giao tiếp hoặc không thể giao tiếp, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống và tương lai của người mắc phải.
Cơ hội mới cho trẻ khiếm thính
BS Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: "Ảnh hưởng của nghe kém phụ thuộc rất lớn vào lứa tuổi mắc bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ bị nghe kém sẽ không giao tiếp được, không học được từ những âm thanh xung quanh, kết quả là trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và gặp khó khăn trong cuộc sống.
Trầm trọng hơn, trẻ sẽ trở thành tàn tật vĩnh viễn. Do đó, việc phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ mang lại cho trẻ cơ hội lớn trong việc phục hồi khả năng nghe, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, giúp trẻ học tập, hòa nhập cộng đồng và giảm gánh nặng cho bản thân trẻ, gia đình và xã hội".
BS Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: NĐ
Theo bác sĩ Như, hiện nay, biện pháp can thiệp đối với những trẻ khiếm thính đang được bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện là cấy ốc tai điện tử. Ốc tai điện tử là một bộ phận trợ thính, thay thế các tế bào lông trong bị tổn thương của tai. Nó kích thích các sợi thần kinh thính giác, cho phép người bệnh tiếp nhận được âm thanh.
Tuy nhiên, theo BS Như, để kỹ thuật cấy điện cực ốc tai hiệu quả thì bệnh nhân phải được cấy trước 7 tuổi, vì sau 7 tuổi thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn.
"Mỗi ca phẫu thuật sẽ mất khoảng từ 1,5 đến 2 giờ đồng hồ. Sau 2 tuần phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tiến hành bật máy và gắn với bộ phận bên ngoài kết nối bằng nam châm qua da đầu. Sau khi thực hiện cấy ốc tai điện tử thành công, trẻ sẽ tiếp tục được tập luyện nghe, nói…", BS Nguyễn Tuấn Như chia sẻ.
Với chiếc điện cực ốc tai này bệnh nhân nghe được âm thanh từ mọi dải tần số khác nhau. Sau đó, qua quá trình huấn luyện, họ sẽ nghe, nói gần như người bình thường.
BV Nhi Đồng 1 TP.HCM đã sử dụng thành công kỹ thuật này từ năm 2010 và mang lại cuộc sống bình thường trẻ nhỏ bị khiếm thính. Tuy nhiên, hiện chi phí gắn thiết bị ốc tai điện tử còn khá cao nên nhiều phụ huynh dù biết con mình nghe kém cũng không có đủ khả năng chi trả.
"Từ năm 2010 đến nay, BV Nhi Đồng 1 cũng chỉ thực hiện cấy ốc tai điện tử cho 40 trường hợp, tỷ lệ thành công về phẫu thuật là 100% không tai biến, điện cực được đặt trọn vẹn trong ốc tai", BS Như cho hay.
Các bác sĩ khuyến cáo, suy giảm thính lực từ nhẹ, trung bình, nặng đế sâu thì hầu hết có thể can thiệp để phục hồi tốt bằng máy trợ thính và ốc tai điện tử. Do đó, phụ huynh nên đưa con đi khám và điều trị sớm nếu phát hiện trẻ nghe kém. Điều trị càng sớm, trước 7 tuổi, thì hiệu quả càng cao, trẻ sẽ hòa nhập cuộc sống tốt hơn.
Sáng 31-5, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM đã tiếp nhận 2 bộ cấy ốc tai điện tử trị giá 900 triệu đồng. Đây là 2 bộ cấy ốc tai điệ tử được hearLIFE trao tặng, nhằm mang đến cho bệnh nhi khiếm thính có hoàn cảnh khó khăn cơ hội được cấy ốc tai hoàn toàn miễn phí, để việc được nghe lại âm thanh cuộc sống không còn ngoài tầm với.
Được biết, thời gian qua, thông qua hoạt động thiện nguyện, hearLIFE đã giúp hơn 20 trường hợp lấy lại thính lực và tận hưởng âm thanh của cuộc sống.
(CAO) Bé trai 4 tuổi ngụ tại Long An bất ngờ phát ra tiếng ho kêu te te như tiếng kèn khiến người nhà phát hoảng.