Nhiều người suýt mất chân vì đái tháo đường
Cụ ông 82 tuổi (ngụ Bạc Liêu) trong một lần sinh hoạt bị giẫm phải gai, ông tự lễ để lấy gai ra không ngờ vết thương không lành mà ngày càng biến chứng nặng, gây phù nề, lở loét. Lúc này ông mới tìm đến bác sĩ để điều trị.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, cụ ông mắc bệnh đái tháo đường 16 năm, điều này đã khiến vết thương ở chân ông khó lành hơn người bình thường và nguyên nhân gây biến chứng nặng.
Các bác sĩ cho biết, người bệnh đái tháo đường không nên chủ quan với các vết thương ở chân, và nếu không điều trị kịp thời, đúng cách thì nguy cơ phải đoạn chi là rất cao.
Nhiều người suýt mất chân vì biến chứng bệnh đái tháo đường
Tất cả người bệnh đái tháo đường đều có khả năng bị loét chân
Một trường hợp khác, một bệnh nhân nam 65 tuổi (quê ở Vĩnh Long), bị đái tháo đường típ 2 đến nay đã 18 năm. Ban đầu, người bệnh xuất hiện những triệu chứng mỏi chân, nặng chân, châm chích chân, đau bắp chân khi đi bộ khoảng 400m. Sau đó 2 tuần, ngón thứ 5 bàn chân phải của ông diễn biến hoại tử nặng và được chỉ định cắt bỏ khi nhập viện địa phương.
Tuy nhiên, sau khi đoạn chi, tình trạng hoại tử chân của người bệnh không chấm dứt mà còn lan sang ngón chân 3 và 4. Lúc này, bệnh nhân được chuyển lên điều trị tại BV Đại học y dược TP.HCM. Người bệnh được chẩn đoán nhiễm trùng hoại tử mỏm cụt kèm theo tắc động mạch vùng cẳng chân do xơ vữa động mạch.
Các bác sĩ BV Đại học y dược đã thực hiện can thiệp tái thông động mạch bị tắc đưa máu tới nuôi bàn chân, sau đó cắt lọc mô và ngón chân hoại tử. Sau 12 tuần chăm sóc và theo dõi, vết thương của ông đã lành hoàn toàn.
TS BS. Trần Quang Nam, Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhận định, trong trường hợp này, bệnh nhân có biến chứng tắc mạch máu kèm theo vết loét, nhưng ban đầu tình trạng bệnh chưa được chẩn đoán đầy đủ và thiếu sự phối hợp điều trị từ các chuyên khoa nên việc cắt lọc ngón chân cũng không chấm dứt hoại tử.
Việc điều trị phối hợp liên chuyên khoa đối với vấn đề bàn chân đái tháo đường là phương thức điều trị đã được nghiên cứu trên thế giới cho thấy làm giảm tỉ lệ phải đoạn chi tới trên 50%.
Tránh phải cắt cụt chi do đái tháo đường
Đái tháo đường được xem là một trong những “đại dịch” của nhân loại trong thế kỉ 21 vì tính chất phổ biến và những biến chứng nguy hiểm của nó gây ra cho người bệnh như đục thủy tinh thể, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim,…
Tuy nhiên, một loại biến chứng đái tháo đường cũng rất nguy hiểm nhưng lại ít được người bệnh quan tâm là những tổn thương bàn chân như loét lỗ đáo, nứt da chân, chai chân, móng quặp, ngón chân hình búa, chân mất cảm giác. Nếu không được điều trị kịp thời những biến chứng này, người bệnh có nguy cơ phải đoạn chi.
TS BS. Trần Quang Nam, Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, biến chứng loét chân do đái tháo đường là một biến chứng khá phổ biến và là một trong những nguyên nhân nhập viện hàng đầu của người bị đái tháo đường. Ước tính hàng năm có khoảng 1 – 4% người bệnh đái tháo đường bị loét chân và 10 – 15% người bệnh đái tháo đường có ít nhất 1 lần loét chân trong đời từ khi được chẩn đoán mắc bệnh.
Tất cả người bệnh đái tháo đường đều có khả năng bị loét chân. Tuy nhiên, tỉ lệ loét chân cao hơn ở những người có thời gian mắc bệnh kéo dài trên 10 năm, người bệnh kiểm soát đường huyết kém hoặc người bệnh có những biến chứng thần kinh ngoại biên, biến chứng mạch máu ngoại biên và biến dạng bàn chân.
Loét chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương. Nếu vết loét có tình trạng lan rộng nhanh, nhiễm trùng nặng làm mất chức năng bàn chân, gây nguy cơ hoại tử thì các bác sĩ buộc phải đoạn chi để đảm bảo tính mạng cho người bệnh.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị bàn chân đái tháo đường mới hiện nay có sự phối hợp nhiều liên chuyên khoa như nội tiết, chấn thương chỉnh hình, can thiệp mạch máu, phục hồi chức năng… sẽ giúp giảm thiểu đến mức tối đa tỉ lệ người bệnh phải đoạn chi do đái tháo đường.
Loét chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương
ThS BS. Lê Thanh Phong, Khoa Lồng ngực Mạch máu BV Đại học y dược cho biết thêm, cứ 2 người bị loét bàn chân đái tháo đường thì có 1 người cần tái thông động mạch để làm lành vết loét. Có 2 cách tái thông bao gồm can thiệp nội mạch và phẫu thuật bắc cầu.
Những người bệnh loét chân do đái tháo đường thường có nhiều bệnh nặng kèm theo, nên không phù hợp để phẫu thuật. Do đó, hiện nay can thiệp nội mạch là sự lựa chọn đầu tiên cho dạng bệnh này. Chỉ tê tại chỗ và qua một vết đâm kim qua da, không gây đau đớn và mất máu, kỹ thuật can thiệp nội mạch có thể giúp phục hồi đến 90% các động mạch bị tắc nghẽn, giúp làm lành nhanh chóng vết thương bàn chân đái tháo đường.
Điều dưỡng tích cực thay băng chăm sóc vết thương hàng ngày, hướng dẫn người bệnh tập vận động để tránh loét tái phát, loét tì đè sau cắt lọc.
ThS BS. Nguyễn Phúc Thịnh, Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Đại học y dược chia sẻ, cắt lọc đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị các nhiễm trùng sâu của bàn chân đái tháo đường, giúp loại bỏ mô hoại tử, thoát lưu mủ, giảm thiểu nguy cơ lan rộng, giải phóng áp lực các khoang nhiễm trùng. Với các trường hợp nhiễm trùng sâu bàn chân, người bệnh cần được cắt lọc sớm.
TS BS. Trần Quang Nam thăm khám cho bệnh nhân
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, các biến chứng của đái tháo đường nói chung và biến chứng bàn chân nói riêng tuy rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người bệnh kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, có chế độ theo dõi, thăm khám sức khỏe định kì và không nên bỏ qua bất kì dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể.
Sự phối hợp liên chuyên khoa trong điều trị bàn chân đái tháo đường là một bước tiến bộ quan trọng, đem đến hi vọng mới về chất lượng cuộc sống toàn vẹn cho người bệnh đái tháo đường.
Các bác sĩ khuyên những bệnh nhân đái tháo đường nên sử dụng gòn que hoặc bộ dụng cụ rửa vết thương; không nên đi chân không, không hút thuốc lá, tránh ngâm vết thương trong bồn nước, tránh đi lại tì đè lên vết thương, tập vận động tránh teo cơ, sử dụng thuốc và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Năm 1985 tổ chức Y tế thế giới định nghĩa "ĐTĐ là một tình trạng tăng đường huyết mãn tính, đôi khi kèm theo các triệu chứng khát nhiều, đái nhiều, sút cân và đờ đẫn”.