Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng 12-5. Trong khuôn khổ chương trình có cầu truyền hình trực tuyến giao lưu giữa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế.
Đây là cơ hội trao đổi, chia sẻ về sự phát triển, hoạt động điều dưỡng của các bệnh viện. Nhằm tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của người điều dưỡng đối với việc chăm sóc sức khỏe người bệnh, Bệnh viện đã tổ chức nghi thức thắp nến truyền thống, ôn lại ý nghĩa lịch sử của ngành điều dưỡng, các chặng đường phát triển của điều dưỡng BV ĐHYD và khen thưởng các cá nhân, tập thể đạt thành tích tiêu biểu.
Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế điều dưỡng tại BV ĐHYD
Phát biểu tại đầu cầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, BS CKII. Hoàng Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá cao vai trò của người điều dưỡng trong hệ thống y tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn đặt ra cho ngành Điều dưỡng Việt Nam về nguồn nhân lực, số lượng, chất lượng, mô hình chăm sóc chưa được cải tiến,.. ảnh hưởng đến việc đổi mới toàn diện điều dưỡng.
Ông hi vọng, với định hướng và sự phát triển đúng đắn của ngành, người điều dưỡng sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thay đổi phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV ĐHYD cho biết: Lực lượng điều dưỡng BV ĐHYD với hơn 1.600 nhân viên đã góp phần to lớn cho sự thành công của Bệnh viện. Các điều dưỡng chính là nhà thực hành chăm sóc, nhà quản lý, giáo dục và nghiên cứu, lấy người bệnh là trung tâm.
Bệnh viện luôn tạo điều kiện để điều dưỡng được học tập, phát triển chuyên môn, kỹ năng, cung cấp trang thiết bị hiện đại, kịp thời, tạo nên môi trường làm việc chuyên nghiệp, đoàn kết.
Với sức mạnh, sự tinh nhuệ, trí tuệ của lực lượng điều dưỡng trẻ, tận tâm, ông hi vọng điều dưỡng Bệnh viện sẽ bắt kịp, hòa nhịp với trình độ chuyên môn, kỹ năng với điều dưỡng thế giới, cung cấp dịch vụ và mang tới sự hài lòng vượt mong đợi cho người bệnh, người nhà người bệnh.
Điều dưỡng khoa Phẫu thuật tim mạch BV ĐHYD chăm sóc trẻ bị bệnh tim bẩm sinh
Điều dưỡng đang chăm sóc bệnh nhi
Theo Tổ chức Y tế thế giới, ngành Điều dưỡng là một trong ba trụ cột của nền y tế, bao gồm Điều trị, Chăm sóc và Dự phòng. Hiện nay, vai trò của người điều dưỡng không những được đánh giá cao trong ngành Y tế mà được cả xã hội ghi nhận trên quy mô toàn cầu.
Tại Việt Nam, nhiều điều dưỡng giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống y tế, được phong tặng những danh hiệu cao quý như Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú,…Ngành điều dưỡng ngày càng phát triển, từ đào tạo trung cấp thành đào tạo Đại học, Cao học, Tiến sĩ, sau Tiến sĩ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Tuy nhiên, có một số khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành điều dưỡng Việt Nam là nhu cầu khám bệnh, dịch vụ y tế, việc tăng dân số, tuổi thọ trung bình, tỷ lệ các bệnh mãn tính,.. đều tăng cao, trong khi nguồn nhân lực điều dưỡng chưa thể đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng.
Cụ thể, theo thống kê mới đây, cả nước có 129.337 điều dưỡng, hộ sinh đang làm công tác chăm sóc tại 1.304 bệnh viện trong toàn quốc. Tỷ số điều dưỡng, hộ sinh / bác sĩ là 1.8, tỷ số điều dưỡng / 1.000 dân của Việt Nam đứng hàng thứ 7 trong 10 quốc gia ASEAN.
Tại một số bệnh viện, hội đồng điều dưỡng, y đức điều dưỡng, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc và điều trị người bệnh. Trong xã hội vẫn còn nhận thức chưa đúng về vai trò của người điều dưỡng, cho rằng “Nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh, bác sĩ bảo gì làm nấy”. Đây chính là trở ngại cho việc đổi mới toàn diện điều dưỡng, dẫn đến tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết.
Theo Hiệp hội lao động Hoa Kỳ, nghề điều dưỡng là một trong những nghề dễ bị stress nhất. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, gần 23% nhân viên có điểm stress ở mức cao, 42% có điểm stress ở mức trung bình và hơn 20% điều dưỡng có biểu hiện nhức đầu, lo âu, căng thẳng tinh thần, bất thường trong giấc ngủ,…
(CAO) Yêu thương, tận tụy chăm sóc những người không phải ruột thịt với mình là điều không phải ai cũng làm được. Nuôi bệnh thuê, một công việc vốn vất vả và không phải là lựa chọn của nhiều người; nhưng với những “hộ lý bất đắc dĩ” ấy, công việc này vừa là kế mưu sinh vừa mang lại sức khỏe, niềm vui cho người bệnh và thân nhân của họ.