(CAO) Bé trai nuốt phải bóng đèn led cả năm trời nhưng gia đình không hay biết. Cho đến khi bé bị sốt, ho, gia đình đưa đi khám thì các bác sĩ buộc phải cắt đi một phần phổi của bé.
Đó là trường hợp hi hữu xảy ra với bé trai T.H.L. (6 tuổi, Tiền Giang). Bé được người nhà đưa đến BV Nhi Đồng 1 TP.HCM thăm khám vì ho có đàm, nóng sốt, ói mửa, hơi thở có mùi hôi.
Kết quả thăm khám và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 phát hiện dị vật nằm trong phổi của bé.
Các bác sĩ tìm cách nội soi để gắp dị vật ra, tuy nhiên, dị vật đã bị ăn quá sâu vào các mô, đồng thời tình trạng nhiễm trùng đã quá nặng, thùy dưới phổi phải thậm chí còn có một lỗ thủng. Vì vậy, để cứu cháu bé, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ thùy dưới phổi phải.
Dị vật được lấy ra là một bóng đèn led, đường kính chỉ vài li nhưng có những chấu sắt găm sâu vào phổi.
Dị vật là bóng đèn led trong đồ chơi. Ảnh bệnh viện cung cấp
Theo Ths.BS Nguyễn Kinh Bang, Phó Khoa ngoại BV Nhi Đồng 1, một trong những người trực tiếp phẫu thuật cho bé, việc cắt bỏ này chưa ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, nhưng việc phải trải qua một ca đại phẫu và để lại một vết sẹo mổ như thế này thì tất nhiên thiệt thòi cho bé, có thể gây ảnh hưởng về sau này.
Người nhà cho biết, cách đây khoảng 1 năm, trong lúc chơi đồ chơi, bé có nuốt một vật nhỏ, bé có biểu hiện ho sặc sụa rồi trở lại bình thường. Tuy nhiên, sau đó bé lại có biểu hiện ho, nôn ói, được đưa đi khám và cho uống thuốc thì thấy triệu chứng có đỡ nên cha mẹ tưởng rằng vậy là xong. Ai ngờ, các triệu chứng ho và ói tái lại nhiều lần và ngày một nặng thêm.
Cách đây ít lâu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đã phẫu thuật cắt một phần ruột cháu bé 4 tuổi, bị nhiễm trùng ruột do nuốt phải những viên bi sắt.
Ths.BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, BV Nhi Đồng 1 rất thường xuyên tiếp nhận và xử trí những trường hợp hóc dị vật ở trẻ, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết. Vì những ngày này trẻ được chơi ở nhà và thường xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Vì vậy, phụ huynh phải hết sức cẩn trọng. Không hiếm các tình huống dị vật bị "bỏ quên" như thế này và để lại hậu quả nghiêm trọng.
BS Đào Trung Hiếu khuyến cáo quý phụ huynh cần cẩn trọng khi cho trẻ chơi những đồ chơi nhỏ, dễ nuốt. Ảnh: NĐ
BS Hiếu khuyến cáo, khi thấy trẻ có những biểu hiện như ho, tím tái mà xung quanh bé có đồ chơi, hoặc bé đang cầm vật gì trên tay hay đang ăn những loại hạt như hạt dưa, hạt đậu,... thì hãy nghi ngờ đến việc trẻ bị hóc dị vật và nên kiểm tra. Nếu có dấu hiệu bất thường thì phải đưa bé đến cơ sở y tế thăm khám. Nếu được phát hiện sớm thì việc xử trí lấy dị vật ra càng đơn giản, để lâu thì càng phức tạp và gặp nhiều biến chứng.
BS Hiếu cũng khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ chơi những đồ vật nhỏ, dễ nuốt, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
(CAO) Kim may quần áo bị bỏ quên trong một chiếc gối, bé trai 13 tuổi vô tình ôm gối và bị kim đâm vào lồng ngực. Chẳng may một nửa kim bị gãy và chạy thẳng vào tim. Cây kim nằm trong tim hơn 2 tháng đã rỉ sét khiến bé trai liên tục khó thở, ngất.