Sa tạng chậu, nỗi ám ảnh ở phụ nữ ngoài 'tứ tuần'

Thứ Sáu, 15/02/2019 16:13  | Ngô Đồng

|

(CAO) Bệnh lý sa tạng chậu ảnh hưởng đến 40% phụ nữ ở độ tuổi trên 40. Đáng lo ngại là trong số này, cứ 5 người thì có 1 người bị sa từ 2 cơ quan trở lên. Nhiều người mặc cảm về bệnh nên đánh mất cơ hội được điều trị hiệu quả.

Đó là những thông tin được các chuyên gia y tế chia sẻ tại Hội thảo khoa học với chủ đề 'Những cập nhật trong điều trị bệnh lý sa tạng chậu' do BV Bình Dân tổ chức ngày 15-2-2019.

Theo các chuyên gia y tế, sa tạng chậu là tình trạng sa xuống của một hay nhiều cơ quan vùng chậu khỏi vị trí giải phẫu bình thường qua ngả âm đạo như sa bàng quang, tử cung, âm đạo, trực tràng, ruột và các mô liên kết do sự tổn thương và suy yếu các cấu trúc cân cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu.

Bệnh lý sa tạng chậu gây các rối loạn tiểu, rối loạn tiêu hóa, các rối loạn tình dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của phụ nữ. Bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ sau mãn kinh, mang thai và sinh con nhiều lần, béo phì, làm việc nặng, táo bón mạn tính, bệnh lý hô hấp mạn tính và từng phẫu thuật vùng chậu.

Theo thống kê của Hội Sàn chậu TP.HCM, bệnh lý ảnh hưởng đến 40% phụ nữ ở độ tuổi từ trên 40. Đáng lo ngại là trong số này, cứ 5 người thì có 1 người bị sa từ 2 cơ quan trở lên.

Các bác sĩ sử dụng mảnh ghép 6 nhánh trong điều trị bệnh lý sa tạng chậu tại BV Bình Dân

Vì mang "bệnh khó nói" nên nhiều phụ nữ mắc bệnh cảm thấy mặc cảm, tự ti, chịu đựng tình trạng bệnh tật kéo dài dẫn tới việc đánh mất cơ hội được điều trị hiệu quả.

Trước đây, phương án can thiệp được thực hiện là cắt tử cung. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đây là phương án không phù hợp về mặt giải phẫu và mặt chức năng.

Theo TS.BS. Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, sự ra đời của các vật liệu thay thế và cách thức đưa mảnh ghép vào bên trong vùng sàn chậu giúp nâng đỡ cấu trúc cơ cân và dây chằng vùng chậu bị suy yếu đã mở ra bước tiến mới trong điều trị các bệnh lý sa tạng chậu. Từ đó giúp loại bỏ quan điểm trước đây là cần cắt tử cung để điều trị nhóm bệnh lý này, vốn được chứng minh làm tăng nặng tình trạng bệnh và khiến việc điều trị khó khăn hơn.

Theo BS Hưng, cho đến nay, phẫu thuật đặt mảnh ghép không ngừng được cải tiến nhằm tối ưu hóa điều trị, sự phát triển của y học đã giúp người bệnh ngày càng được chăm sóc tốt hơn, giảm sang chấn, biến chứng, nâng cao chất lượng sống.

Các bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ bị sa tạng chậu, chị em phụ nữ cần có chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều chất xơ, rau quả ngăn ngừa táo bón; duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không để cơ thể béo phì; thường xuyên tập thể dục để hệ cơ, dây chằng được khỏe mạnh… Trường hợp chẳng may bị sa tạng chậu cần tuân thủ chỉ định khám, điều trị của bác sĩ.

Cụ bà 91 tuổi bị 'giam giữ' suốt 10 năm ròng vì bị sa sinh dục
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang