Thực hư chuyện bác sĩ không phát hiện được con rết trong lỗ tai bệnh nhi

Thứ Sáu, 28/08/2015 10:49  | Nam Anh

|

(CAO) Trong khi bác sĩ không tìm thấy gì trong lỗ tai bệnh nhi thì theo người nhà, khi từ bệnh viện về đến nhà, chỉ với một cây móc ráy tai thông thường, mẹ của bệnh nhân đã có thể lôi từ trong lỗ tai con mình ra một con rết còn ngoe nguẩy…

Con rết được bà mẹ cho là đã lấy ra từ lỗ tai của con mình và chia sẻ trên trang cá nhân

Ngày 19-8, trên mạng xã hội xuất hiện status của chủ tài khoản facebook mang tên “Duy Diep Ngoc” nêu sự việc xảy ra với con của chị tại khoa tai mũi họng bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.

Bên cạnh bài viết, status còn kèm theo 4 tấm ảnh chụp sổ khám bệnh, toa thuốc và con rết được cho là đã chui vào lỗ tai bệnh nhi. Ngay lập tức các thông tin và hình ảnh này được lan truyền nhanh chóng trên mạng với hơn 5 ngàn lượt chia sẻ.

Chia sẻ của của chủ tài khoản facebook mang tên “Duy Diep Ngoc”

Bác sĩ chẩn đoán viêm tai giữa cấp

Theo những gì mà “Duy Diep Ngoc” cung cấp trên facebook, chiều 19-8, con gái của chị là bé An (5 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) bị côn trùng bò vào tai trong lúc ngồi xem tivi, dựa vào tường.

“Bé khóc thét, nhảy dựng, tay ôm lỗ tai. Mẹ ơi, con gì bò vào tai con đau quá! Mình lật đật chạy đến xem thì thấy tai bé đỏ lên. Không chần chừ, đưa bé đến bác sĩ nhi gần nhà nhất”, chị viết.

Bác sĩ soi tai em bé nhưng không thấy gì ngoài ráy tay và hướng dẫn nhỏ tai bằng nước muối sinh lý để có thể làm chết côn trùng. Nhưng sau khi nhỏ hết 2 chai nước muối với thao tác đổ vào, nghiêng ra thì bé An vẫn khóc thét, nhảy dựng.

Chị đưa bé đến một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khác gần đó, nhưng do bác sĩ đang kẹt bệnh nhân và thấy bé khóc to, cô y tá khuyên nên đưa bé vào bệnh viện là tốt nhất.

“Tiếp tục đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, làm thủ tục xong, đưa bé lên tầng 3 khoa tai mũi họng. Gặp bác sĩ mình kể lại chuyện. Bác sĩ dùng dụng cụ soi vào tai và nói ngay: không thấy con gì hết mà bé bị viêm tai giữa cấp, ngồi rồi kê đơn. Mình do dự, băn khoăn và cố nói thêm: không phải đâu BS ơi. Bé con nhà mình bị đau dữ dội, từng cơn và bé nói con gì bò vào tai. Bác sĩ nói tiếp: viêm tai giữa đau lắm, đau như vậy đó và kéo dài 2-3 ngày mới hết”, chị “Duy Diep Ngoc” chia sẻ.

Sau đó, bác sĩ cho toa thuốc về nhà uống, hẹn tái khám.

Kết quả chẩn đoán viêm tai giữa được bà mẹ chia sẻ trên trang cá nhân

Về nhà, bé An vẫn bị đau và tiếp tục khóc. Người mẹ quyết định dùng cây móc ráy tai thông thường, nghiên đầu con qua một bên và dưới ánh sáng đèn neon, chị đã nhẹ nhàng lôi ra một con rết con còn đủ chân, râu, bò lòng vòng trên tờ giấy A4. Bỏ rết vào ly mấy tiếng đồng hồ sau vẫn còn sống.

Khả năng nào cũng có thể xảy ra

Ảnh chụp toa thuốc cho thấy, bác sĩ N.P.N. là người đã khám cho bé An. Chúng tôi đến gặp bác N., vị bác sĩ trẻ tỏ vẻ mong muốn được tái khám cho bệnh nhân để có thể bảo đảm sức khỏe cho em bé.

“Về vấn đề con rết, tôi thực sự không hiểu nổi tại sao lại có thể xảy ra chuyện đó. Khi người nhà cho biết có con gì đó chui vào lỗ tai, tôi đã dùng dụng cụ soi tai chuyên dụng, soi cả hai lỗ tai trong vòng 2 phút đồng hồ, nhưng không phát hiện gì ngoài màng nhĩ tai bên phải sưng đỏ, tai kia hoàn toàn bình thường”, bác sĩ N. nói.

Theo bác sĩ N., nếu có con rết trong lỗ tai, chắc chắn ông phải phát hiện được trong điều kiện như đã nói. Hơn nữa, trong suốt thời gian khám, bé An hoàn toàn ngồi yên lặng, tỉnh táo để bác sĩ soi tai. Và ngoài việc hẹn tái khám, trong sổ khám bệnh luôn dặn dò kỹ người nhà nếu có bất cứ vấn đề bất thường ở nhà, phải trở lại bệnh viện ngay.

Con rết được bà mẹ cho là đã lấy ra từ lỗ tai của con mình và chia sẻ trên trang cá nhân

Trao đổi thêm về vấn đề này, bác sĩ Đặng Hoàng Sơn - Trưởng khoa tai mũi họng của bệnh viện Nhi Đồng 1 giải thích, dụng cụ soi tai chuyên dụng được bác sĩ N. sử dụng có đèn và kính lúp. Ống tai của một em bé 5 tuổi dài khoảng 2 cm. Nếu con rết nằm ngang ống tai, có thể thấy ngay bằng dụng cụ này, nhưng có thể do con rết bám sát vào vách ống tai, khi đưa dụng cụ soi tai vào, có khả năng chính dụng cụ này đã đè lên con rết nên bác sĩ không phát hiện được. Và theo người nhà, đây là con rết con, thân mảnh như một que tăm, dài chưa đến 2 cm.

Sau khi nhận được thông tin vụ việc, khoa đã triệu tập cuộc họp khẩn để làm rõ. Trong cuộc họp, bác sĩ trưởng khoa đã yêu cầu bác sĩ N. rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này, cảnh cáo trước khoa, đồng thời báo cáo về Ban giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tuy nhiên, bác sĩ Sơn cũng nhìn nhận, dù với lý do gì, việc bác sĩ N. chẩn đoán viêm tai giữa cấp cũng hợp lý, vấn đề ở đây là không phát hiện dị vật trong tai bệnh nhi là khó chấp nhận.

Ban giám đốc đã chỉ đạo phòng chăm sóc khách hàng bệnh viện đến thăm hỏi bệnh nhi. Người nhà đã đồng ý trở lại bệnh viện tái khám vào tuần tới.

Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn cũng cho biết thêm, bác sĩ N. đang rơi vào trạng thái buồn bã, vụ việc đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý bác sĩ có 7 năm kinh nghiệm này. Ông kêu gọi gia đình bệnh nhi, cộng đồng chia sẻ, cảm thông để bác sĩ có cơ hội sửa chữa, phục vụ người bệnh tốt hơn.

Bình luận (9)

Việc đó thể hiện sự vô trách nhiệm của phần lớn bác sĩ hiện nay.

Nguyen Nguyen - Thứ Tư, 02/09/2015, 00:03 Trả lời | Thích

Đề nghị đuổi việc vị bác sĩ này.

Nguyen Hồng Linh - Thứ Ba, 01/09/2015, 20:31 Trả lời | Thích

Rút kinh nghiệm hả? Có muộn lắm không, khi quyết định một vấn đề sống chết (ở đây cháu bé không nguy hiểm đến tính mạng) nhưng đối với trẻ đó là sự sợ hãi rất lớn, mà lại lấy người khác làm kinh nghiệm?

Minh Vo - Thứ Bảy, 29/08/2015, 07:47 Trả lời | Thích

Người lớn bị vậy cũng sợ chứ bộ... huống hồ em bé.

Bạn đọc - Thứ Hai, 31/08/2015, 21:01 Trả lời | Thích

Cái toa thuốc... Cho dù có viêm tai cấp mà cho thuốc kháng sinh kiểu này cũng thua. Chưa gì đã kê thuốc Augmentin rồi còn cho thêm Cipro!!! Kháng sinh mà cho con nít uống kiểu này thôi mình cũng sợ bạn bác sĩ này quá. Bao năm đi học trường y mà viết cái toa khiếp thật.

MD - Chủ Nhật, 30/08/2015, 20:42 Trả lời | Thích

Cẩu thả, xem thường tính mạng bệnh nhân.

Levanphong - Thứ Bảy, 29/08/2015, 12:06 Trả lời | Thích
Lên đầu trang