Tạo cơ chế sử dụng đất tại các dự án "treo"

Thứ Năm, 05/01/2023 18:27

|

(CATP) Nhiều diện tích đất nằm trong quy hoạch dự án tại TP.Tân An (Long An) kéo dài hơn 10 năm gây khó khăn cho người dân trong quá trình sử dụng. Do đó, các hộ dân mong muốn được cấp có thẩm quyền tạo cơ chế cho sử dụng tạm thời quỹ đất này để đảm bảo cuộc sống và cam kết bàn giao, giải tỏa khi có quyết định thu hồi đất.

Người dân ủng hộ các dự án công

Quyết định số 2953 năm 2011 của UBND tỉnh Long An "về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kè sông Bảo Định, đoạn từ cống Bảo Định đến cống đầu kênh Vành Đai" thể hiện, dự án xây dựng kè bảo vệ bờ, chiều dài 1.558m; cao trình đỉnh kè; cao trình mặt đất lưng kè; chân kè nạo vét đến cao trình. Xây dựng mới cống thoát nước D400mm dưới vỉa hè dọc đường Nguyễn Cửu Vân, Huỳnh Văn Nhứt. Làm đường giao thông nội đô dọc theo kè đường Huỳnh Văn Nhứt, trong đó xây dựng mới đường dọc kè từ KT0+611B đến KT0+770 có chiều dài khoảng 160m, tiếp nối trục đường Nguyễn Văn Rành dọc theo tuyến cống Vành Đai. Xây dựng công viên cây xanh gồm các bồn trồng cỏ và cây tầm thấp đan xen với lối đi bộ lát gạch; hệ thống chiếu sáng.

Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2012-2015. Tiếp đó, vào các năm 2020-2021, UBND tỉnh Long An, UBND TP.Tân An ban hành nhiều quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh dự án, thiết kế bản vẽ thi công... Đến cuối năm 2021, dự án mới chính thức khởi công, tổng thời gian thi công 12 tháng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đang thi công ì ạch, bờ kè hai bên đường Nguyễn Cửu Vân và Huỳnh Văn Nhứt chưa hoàn thiện, nhiều khúc làm lở dở, không liền mạch, một số vị trí kè chưa được rào chắn. Nhìn nhận thực tế, khả năng hoàn thiện của dự án này khó bảo đảm tiến độ đã đề ra.

Trên thực tế, từ khi có quyết định của UBND tỉnh Long An, hầu hết các hộ dân đều đồng tình, ủng hộ chủ trương và đã tiến hành bàn giao một phần diện tích đất theo đúng quyết định thu hồi để thi công bờ kè. Điều này cho thấy sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân với cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương. Ngoài phần diện tích làm bờ kè, phần lớn diện tích đất của các hộ dân nằm trong quy hoạch vẫn chưa biết cụ thể thời gian thu hồi, lộ trình thi công các hạng mục còn lại. Trong khi nhiều gia đình mua đất, dính quy hoạch hàng chục năm, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Công trình kè sông Bảo Định thi công ì ạch

Tạo cơ chế sử dụng đất quy hoạch

Hiện nay, vấn đề quy hoạch, dự án "treo" đang trở thành thực trạng phổ biến không chỉ ở Long An mà còn nhiều địa phương trên cả nước. Nguyên nhân thì nhiều nhưng cơ chế và cách khắc phục vẫn chưa có. Trong khi đất nằm trong quy hoạch thời gian dài không chỉ gây lãng phí, kéo theo các vấn đề ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, an ninh trật tự mà còn làm cuộc sống người dân bị ảnh hưởng vì họ luôn trong tâm thế mòn mỏi chờ đợi.

Trước thực trạng trên, nhiều hộ dân có nguyện vọng xin các cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tạm thời quỹ đất này để phát triển kinh tế. Quá trình sử dụng, người dân hứa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, đóng thuế đầy đủ và cam kết bàn giao đất cho nhà nước khi có quyết định thu hồi. Như vậy, thay vì để trống, các cơ quan nên xem xét, có cơ chế linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Việc này không ảnh hưởng đến chủ trương của Nhà nước nhưng giúp người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo vấn đề chỉnh trang đô thị, giải quyết được việc làm cho người lao động. Đặc biệt, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính quyền, nhất là sau thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vật giá leo thang khiến kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đẩy mạnh phong trào "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân".

Trước đây, phần đất của gia đình chị Kim như bãi rác

Chị Cao Đoàn Mỹ Kim (ngụ P4, TP.Tân An) cho biết: "Năm 1990, bố mẹ tôi mua đất, được một thời gian thì nghe tin quy hoạch nên gia đình không dám làm gì, đến nay đã hơn 30 năm. Mới đây, tôi có làm đơn cứu xét với hy vọng địa phương tạo điều kiện cho gia đình được sử dụng đất để mở quán cà phê, các hạng mục tôi xây dựng tạm và sẽ phá dỡ, bàn giao đất cho Nhà nước khi có yêu cầu". Theo tính toán của gia đình chị Kim, nếu quán cà phê đi vào hoạt động có thể giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động.

Không chỉ các hộ gia đình nằm trong quy hoạch mà nhiều người dân cũng mong mỏi địa phương có cơ chế thoáng hơn về việc sử dụng quỹ đất để giúp họ nâng cao đời sống, có thu nhập ổn định. Bà Phạm Thị Tuyền (cùng ngụ P4) chia sẻ: "Tôi sinh sống ở huyện Cần Giuộc (Long An), chủ yếu đi làm công ty để trang trải chi phí và nuôi 2 con đang học đại học ở TPHCM. Tuy nhiên hiện nay rất khó khăn, nhiều người bị cắt giảm giờ làm, nghỉ việc. Khi nghe mọi người nói về định hướng xin sử dụng tạm phần đất chờ quy hoạch để kinh doanh, tôi mừng lắm".

Nhiều lao động trẻ, trong đó có sinh viên đang học tập trên địa bàn cũng mong muốn cơ quan có thẩm quyền xem xét cho người dân kinh doanh cà phê, quán ăn... trên đất chờ quy hoạch để giúp tìm được việc làm thời vụ trang trải chi phí học tập. Như vậy, nếu có cơ chế cho các hộ dân sử dụng tạm đất quy hoạch thì điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống người dân sẽ được nâng cao, người lao động có việc làm ổn định. Mặt khác, việc sử dụng quỹ đất thường xuyên sẽ giúp chính quyền địa phương dễ dàng quản lý, tránh các vấn đề ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự...

Bình luận (0)

Lên đầu trang