TPHCM: Tình trạng người lang thang, xin ăn vẫn diễn biến phức tạp

Thứ Hai, 23/09/2024 09:11  | Trung Hiếu

|

(CATP) Đó là một trong những khó khăn chưa thể giải quyết dứt điểm vừa được nêu ra trong báo cáo Sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của UBND TPHCM về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn của Sở Lao động thương binh và xã hội (LĐTBXH) TP...

TPHCM là một đô thị lớn, cùng với sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, du lịch, xuất nhập khẩu... đã thu hút lượng lớn người dân từ các địa phương trong cả nước, người nước ngoài sinh sống, tham quan, du lịch, học tập và tìm kiếm cơ hội việc làm. Do đó, tại khu vực cũng phát sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội liên quan đến tình trạng người lang thang ăn xin (NLTXA) trên địa bàn.

Qua một năm triển khai, thực hiện trên địa bàn TP với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng đã phối hợp với Tổ công tác tại xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý các đối tượng theo quy định, nhất là các địa phương có địa bàn phức tạp. Theo báo cáo của Sở LĐTBXH TP, lực lượng chức năng kiểm tra, đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội 2.353 người.

Trẻ em vừa diễn trò thổi lửa vừa ăn xin tại một ngã tư (ảnh CTV)

Ngoài ra, Sở còn tiếp nhận 220 trường hợp cần bảo vệ khẩn cấp khác theo văn bản đề nghị cùa Công an TPHCM, Sở Ngoại vụ. Đồng thời, Công an TPHCM phối hợp với Sở, Công an tỉnh Bình Phước, Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an tỉnh Bình Dương... tổ chức cấp CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện từ mức 2 cho hơn 1.500 trường họp và thu nhận hồ sơ nhân khẩu đặc biệt diện không có Giấy tờ tùy thân hơn 300 trường hợp để bàn giao cho Công an cấp xã thuộc các đơn vị trú đóng để tiếp tục xử lý theo quy định.

Song song đó, Sở LĐTBXH TP cũng đã bố trí 2 cơ sở tiếp nhận ban đầu, 14 cơ sở trợ giúp xã hội khác có chức năng tiếp nhận, sàng lọc và phân loại đối tượng, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý, phục hồi, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng. Trong năm qua, tổng số lượt tiếp nhận các đối tượng được Tổ công tác lập hồ sơ đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội là 2.353 đối tượng, tăng 49% so với cùng kỳ (1.578 đối tượng). Trong đó, diện trẻ em (TE) lang thang xin ăn là 145 người, chiếm 6%; diện người cao tuổi lang thang xin ăn 336 người, chiếm 14%; diện người khuyết tật lang thang xin ăn 96 người, chiếm 4%; diện hộ gia đình, lang thang xin ăn 92 người; diện người bệnh tâm thần 368 người, chiếm 16%; diện trợ giúp khẩn cấp 37 người; diện người trong độ tuổi từ 16 đến 60 mới lang thang xin ăn 1.059 người, chiếm 45%; diện khác là 220 người, chiếm 9%. Phần lớn những người này đều đăng ký thường trú ở tỉnh và các thành phố khác, chiếm 45%.

Phạm Huỳnh Nhật Vi bị bắt giữ

Theo ông Nguyễn Tăng Minh - Phó GĐ Sở LĐTBXH TP, bên cạnh những kết quả đạt, lực lượng chức trách vẫn đối mặt với tình trạng NLTXA mặc dù đã được giải quyết cơ bản, nhưng do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn chung nên vẫn còn nhiều người chưa có công ăn việc làm ổn định hoặc những hoàn cảnh khác nhau tại nhiều địa phương đã đến TP để đi xin ăn kiếm sống qua ngày, dẫn đến việc tạo áp lực cho TP. Vì vậy, việc xử lý dứt điểm trình trạng lang thang xin ăn còn hạn chế, vẫn xuất hiện tình trạng người lang thang, xin ăn tại một sổ địa bàn, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, tại các khu vực giáp ranh giữa các quận huyện, TP.Thủ Đức, gần các cơ sở tôn giáo, bến xe, trạm kinh doanh xăng dầu, chợ truyền thống... Chưa kể, các đối tượng có hành vi đối phó với lực lượng chức năng như: giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su... rất khó xử lý. Ngoài ra, họ thường hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, giờ nghỉ trưa và di chuyển lưu động giữa các địa bàn nên các Tổ công tác gặp khó khăn trong công tác quản lý, tập trung đối tượng.

Lực lượng chức năng đưa 3 người lang thang về nơi tập trung (ảnh CTV)

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương của TP về giải quyết tình trạng TE, NLTXA, Sở LĐTBXH TP đã đề xuất UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp; tiếp tục mở nhiều đợt ra quân kiểm ra, xử lý, tập trung TE, NLTXA và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác rà soát, lập danh sách và tập trung điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng liên quan đến tổ chức chăn dắt TE, người cao tuổi, người khuyết tật đi xin ăn để đưa ra truy tố trước pháp luật nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa xã hội chung; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng về chủ trương của TP trong công tác trợ giúp xã hội và quản lý NLTXA trên địa bàn để nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, xã hội...

Bình luận (0)

Lên đầu trang