(CAO) Khi cánh cửa trại giam khép lại, nhiều thân xác rã rời nhận ra cuộc đời tốt đẹp của chính mình vấy bẩn, một tâm hồn đầy nghiệt ngã với những tội lỗi khó rửa rạch. Và những tháng ngày dài cô quạnh sống với những hoài niệm dĩ vãng, với tiếc nuối muộn màng sau một phút vô tri đời thực.
Bản án của pháp luật quá rõ ràng, nhưng pháp luật mang tính nhân đạo luôn dành cho phạm nhân một con đường để làm lại cuộc đời, thay đổi số phận, sống có ích cho xã hội, Đại đức Thích Phước Ngọc – Trụ trì chùa Phước Quang trong một lần tới thăm hỏi, tặng quà trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Long trình bày ý tưởng đưa thiền định vào trại giam, giúp can phạm nhân tĩnh tâm xám hối, trở thành những con người lương thiện sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Đối với những người sa chân vào vòng lao lý, bản án của pháp luật đôi khi không nặng nề bằng bản án lương tâm.
Lãnh đạo Công an tỉnh Vĩnh Long cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của Đại đức Thích Phước Ngọc
Bởi bản án lương tâm đeo bám họ đến hết cuộc đời, dày vò họ trong mọi hoàn cảnh, chẳng biết đến khi nào kết thúc. Nó như vết cứa hằn sâu trên khuôn mặt và cả trong tận cùng tâm thức. Nó làm tái tê, nhức nhối và rớm máu, nhưng nó lại là dấu hiệu sâu thẳm của sự thức ngộ. Những lời của Đại đức Thích Phước Ngọc đi sâu vào mọi ngõ ngách cõi lòng đang đợi chờ một sự khai tâm. Có người không kìm được bật khóc, có người cúi mặt như muốn nuốt trọn từng lời, như trong cơn khát được đón cơn mưa pháp nhũ giải mát tâm hồn.
Theo định nghĩa khoa học, thiền định là quá trình đạt tới sự tỉnh thức tuyệt đối trong trạng thái tĩnh, có được do luyện tập. Khác với thư giãn thông thường, thiền định có tác dụng điều chỉnh lớn đến mọi hoạt động của cơ thể, tạo sự cân bằng nội tại.
Vì vậy, thiền định lần đầu tiên được Đại đức Thích Phước Ngọc mang đến cho phạm nhân, như một bàn tay cho một chút dịu êm vết thương đang làm họ quằn quại rã rời. Đại đức Thích Phước Ngọc khẳng định, vị tha, khoan dung không phải chỉ dành cho người khác, mà đích thực dành cho chính chúng ta.
Với những lời chia sẻ chân tình của Đại đức Thích Phước Ngọc, các can phạm nhân tại trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Long vô cùng xúc động. Đại đức giúp họ một lần thẳng thắn nhìn nhận lại lỗi lầm của mình và sự có mặt của họ trong môi trường cải tạo là một sự “trả nghiệp” cho cái nhân bất thiện mà họ từng gieo. Muốn bình an trong tâm hồn thì cần thật tâm trả nghiệp trong sự sám hối. Nhưng nói như thế không phải là các phạm nhân mất tất cả. Họ vẫn còn rất nhiều cơ hội để tự sửa đổi bản thân mình, trở về hòa nhập với xã hội, hòa nhập với cộng đồng. Gia đình của họ vẫn trông ngóng và sẵn sàng giang tay đón họ trở về.
Đại đức Thích Phước Ngọc tặng 50 triệu đồng cho quỹ húc lợi cũa trại tạm giam Công an tỉnh
Song, bên cạnh việc chúng ta hy vọng để hun đúc thêm sức mạnh khi được trở về cộng đồng, viết một trang mới cho cuộc đời mình, Đại đức cũng thực tế đưa ra tình huống những can phạm nhân sẽ gặp phải sự kỳ thị, dè sợ hay thậm chí là oán hận từ những người xung quanh, từ gia đình nạn nhân…
Các phạm nhân cần chuẩn bị cho mình một tâm thế đón nhận trong sự bình tâm. Hãy xem đó là những tro bụi tàn dư của ngọn lửa “sân hận” khi xưa do chính tay mình đốt. Có thể ngọn lửa ấy quá lớn, nên tàn dư vẫn còn lẩn khuất đâu đó. Được đón nhận những tàn dư ấy càng sớm, càng nhiều thì càng có nghĩa là mình đang có cơ hội được trả dứt nghiệp của mình gây ra. Là cơ hội để thể nghiệm sự kiên trì và quyết tâm điều phục cái tâm ác của chính mình. Phải hiểu rằng “chiến thắng vĩ đại nhất đó chính là chiến thắng chính mình”. Nhân quả không phải ở thế giới vô hình nào đó, mà chính là sự phán xét công bằng nhất cho những gì chúng ta làm.
Buổi nói chuyện khép lại cũng là lúc hoàng hôn đang rừng rực ở cuối chân trời. Các can phạm nhân trở về sinh hoạt thường nhật của họ, nhưng bước chân của mỗi người ngày hôm nay thật nhẹ nhàng, thong thả trong ánh hoàng hôn ấm áp…
Có một chiếc lá rơi ngoài song cửa Lại một mùa thu lặng lẽ ra đi Có một nụ hoa đang căng tràn sức sống Thêm một xuân đang trở dạ hoang sơ Có một người ngồi nghe hồn gọi Đếm thời gian bằng tóc rụng bạc màu… Có một phút lỡ lầm thời hoang tưởng Giờ âm thầm tiếc nuối tháng ngày qua... |