'Triệu phú' cá lăng nha miền Tây

Thứ Bảy, 15/08/2015 06:36  | Chí Trung

|

(CAO) Có dịp, chúng tôi đến thăm “vương quốc” cá lăng nha của anh Trương Văn Điền. Anh được mệnh danh là “vua” nuôi loài cá này trên sông Tiền, bởi không chỉ nuôi cá thịt mà anh còn thành công trong việc nhân giống.

Thực hiện mô hình thả nuôi cá lăng nha thương phẩm và cho sinh sản nhân tạo mà anh Trương Văn Điền (ngụ ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho thu nhập mỗi năm hơn 900 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí.

Triệu phú cá lăng nha - Trương Văn Điền

Từ một nông dân chịu thương, chịu khó; đặc biệt là luôn đam mê tìm tòi học hỏi những kỷ thuật mới trong sản xuất và nhân giống thủy sản. Năm 2000 anh Điền bắt đầu thả nuôi thương phẩm các loại cá như: cá tra, cá ba sa, cá điêu hồng...

Tuy nhiên giá cả thị trường và nguồn tiêu thụ sản phẩm này không mạnh và số lượng chăn thả ngày càng mở rộng sẽ đi đến con đường cung vượt cầu.

Tìm hiểu từ sách báo, tài liệu chuyên ngành thủy sản và sự giới thiệu của bạn nên anh Điền tìm đến mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bè.

Anh bảo, bước đầu anh cũng gặp không ít khó khăn; tuy có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cá tra giống nhưng anh vẫn phải vất vả mãi cho đên giữa năm 2006 anh mới tìm đến thành công từ sản xuất giống cá lăng nha.

Hệ thống bề nuôi cá lăng nha của anh Điền

Anh Trương Văn Điền chia sẻ: “Vào thời điểm đó, cá giống lăng nha bố mẹ rất ít, anh phải nhờ bạn ở Campuchia mua con giống. Mặc dù là dân trong nghề, đã có kinh nghiệm trong sản xuất cá tra giống, nhưng khi nhân giống sinh sản cá lăng nha cũng đã nhiều lần thất bại do yếu tố đặc thù sống ở tầng đáy, tính toán kỹ thuật và thời điểm cho sinh sản mới đạt hiệu quả cao".

Cá lăng nha là loại cá gia trơn có tốc độ tăng trưởng nhanh, sống chủ yếu ở tầng đáy, thịt trắng, dai và thơm ngon. Thức ăn chủ yếu là các loại cá sống xoay nhuyễn hoặc thức ăn công nghiệp. Đặc biệt, cá lăng nha có giá trị kinh tế cao phù hợp với vùng nuôi đồng bằng sông Cửu Long nên được nhiều hộ dân chọn nuôi.

Để sản xuất giống cá lăng nha cần có những kỹ thuật cơ bản. Sau khi đã có thành công bước đầu, anh Điền mạnh dạng mở rộng diện tích, đầu tư thả nuôi con giống tại các lồng bè của gia đình, so với sản xuất cá tra thì cho lợi nhuận cao hơn.

Ban đầu gia đình anh có 4 lồng nuôi cá lăng nha bố mẹ với diện tích gần 1 ha, đến nay đã lên 10 lồng với điện tích 2 ha.

Anh Điền cho biết thêm: “Cá lăng nha được thả nuôi vỗ béo từ tháng 2 - 3 âm lịch và bắt đầu cho sản xuất giống từ tháng 8 âm lịch, sau đó tiếp tục nuôi vỗ. Bình quân mỗi năm gia đình cung ứng cho thị trường hơn 1 tỷ con cá lăng nha giống chủ yếu các các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ... và chủ yếu là thị trường trong tỉnh".

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, hiện nay cá lăng nha được nuôi tập trung tại các xã: Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B và Thường Phước 1 cho sản lượng hơn 500 tấn cá thịt/năm.

Hiện nay cá lăng nha được bán ra thị trường với giá 75.000 đồng/kg và cá giống đạt kích cở 200 - 250 con/kg giá 1.000 - 2.000 đồng/con mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người thả nuôi.

Bên cạnh việc sản xuất cá giống và nuôi thương phẩm thì anh Điền cũng đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm nuôi với các hộ dân trên địa bàn huyện.

Chỉ riêng mô hình nuôi cá lăng nha thương phẩm và sản xuất giống, sau khi trừ các khoảng chi phí đầu tư về con giống, thức ăn, thuốc và các chi phí phí khác; mỗi năm gia đình anh thu nhập gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó anh Điền còn sản xuất cá tra giống nhân tạo và nuôi thương phẩm.

Quy trình sản xuất cá lăng nha được Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật tỉnh trao giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo kỹ thuật năm 2013. Ngoài ra, anh Điền còn nhận về cho mình những thành tích đáng ghi nhận như: Bằng khen Trung ương Hội Nghề Cá Việt Nam năm 2013; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh giai đoạn 2012 - 2014; Bằng khen UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và nhiều giấy khen khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang