"Vướng" nhiều thủ tục
Nhớ lại chuyện đi vay tiền ngân hàng, chị P.T.T.L (ngụ Q3) cay đắng kể, vốn gia đình chị đang sinh sống tại Q.Gò Vấp, sau thời gian dài dành dụm, có một khoản tiền nên mua căn nhà nhỏ trong hẻm tại Q3. Do không đủ tiền xây nhà, gia đình chị L. quyết định đi vay 300 triệu đồng của một ngân hàng thương mại cổ phần ở TPHCM. Từ các khâu giấy tờ để chứng minh thu nhập, dòng tiền thu nhập của cả hai vợ chồng hàng tháng cho đến thế chấp tài sản, những tưởng chỉ trong vòng vài ngày như ngân hàng tư vấn, thì thủ tục vay "vướng" ngay khâu tài sản thế chấp.
Đó là việc chị L. phải xin được giấy xác nhận về tình trạng ngôi nhà dùng làm tài sản thế chấp như: quy hoạch thế nào, tình trạng nhà là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất ra sao, có quy hoạch dự án gì hay không... Cầm giấy chứng nhận của UBND quận trên tay, chị L. tưởng rằng đã xong, nhưng tiếp tục chặng đường cho "công chứng", rồi phải chờ thời gian để cán bộ tín dụng gân hàng "đăng bộ" là tài sản thế chấp mới có thể giải ngân. "Quá rườm rà với nhiều khâu và đặc biệt phải bỏ thời gian, công sức đi làm các loại giấy tờ, thủ tục vay tiền ngân hàng", chị L. cho hay.
Anh P.Q.B (ngụ Q.Gò Vấp) cho biết: "Để mua được nhà thì phải gom góp tiền bạc, nhưng cũng không đủ nên tôi tìm đến ngân hàng. Chú tôi lúc ấy già lắm rồi (nay ông đã mất), nhưng nhớ lại chuyện cười ra nước mắt khi vay ngân hàng lại càng thấy sợ. Vốn chú tôi bán lại căn nhà cho tôi ở, vì không có tài sản thế chấp đảm bảo vay ngân hàng nên tôi nhờ ông đứng tên là người có tài sản thế chấp đảm bảo vay cho tôi mua chính ngôi nhà của ông. Nhưng ký hợp đồng với ngân hàng, tôi không đọc hết mấy trang phụ lục hợp đồng tín dụng vay. Đến khi đang đi công tác ngoài Hà Nội, nghe ngân hàng báo tin trễ hạn trả hàng quý cả nợ gốc và lãi, bị phạt 150% tiền lãi suất, lúc này tôi mới tá hỏa".
Mời chào cho vay trên... vỉa hè ở Q3 (ảnh chụp sáng 20-02-2023)
Cũng theo anh B., giấy trắng mực đen, chữ ký là của mình, nói là "nhiêu khê”, lắm thủ tục khi khách hàng đi vay cũng đúng; mà nói nhằm để bảo đảm an toàn cho ngân hàng, tránh nợ xấu, nợ khó đòi, nợ mất khả năng chi trả cũng chẳng sai. Vậy nên khi vay ngân hàng rất cần chắc chắn về "hành trình" trả nợ, không thì mất tài sản thế chấp, mất nhà như chơi.
Vốn là khách của ngân hàng, hoạt động thế nào chăng nữa thì ngân hàng cũng như một doanh nghiệp kinh doanh phải tính toán về lợi nhuận, nên tài sản đảm bảo để thế chấp vay vẫn là điều tiên quyết. Ông T.T.B (ngụ Q.Phú Nhuận) cho biết chuyện của gia đình ông rất đau lòng. Suy nghĩ kỹ thì mất nhà cửa do cha mẹ để lại là điều ông B. phải gánh, bởi tin vào người bạn làm doanh nghiệp ở Q7, nhờ ông đứng ra thế chấp bảo lãnh vay bằng chính ngôi nhà mình đang ở. Rồi người bạn ông B. phá sản.
Kéo nhau khởi kiện ra tòa, vì số tiền bạn ông B. có làm giấy vay mượn dân sự, tòa án giải quyết bằng bản án tuyên bạn ông B. phải trả nợ vay. Cho đến khi thi hành án, ông B. ngã ngửa vì tài sản của bạn mình "gánh" thêm nhiều khoản vay của nhiều người khác. Vụ thi hành án lại thêm kéo dài... Ông B. lâm vào hoàn cảnh éo le, vì tin lời bạn đã đứng ra bảo lãnh thế chấp ngôi nhà của mình. Ngân hàng kiện ra tòa giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng vì bạn ông B. không trả nợ gốc lẫn lãi kéo dài.
Đặng đừng mất tài sản trong đau đớn
Chị P.T.H.T (ngụ Q.Gò Vấp) cho biết, gia đình bên chồng cho mảnh đất nên vợ chồng cất nhà, mong rằng an cư lạc nghiệp nhưng "giông tố" ập đến. Tài sản là quyền sử dụng đất cùng tài sản là ngôi nhà gắn liền trên đất mang thế chấp vay ngân hàng. Với rất nhiều giấy tờ, thủ tục pháp lý ràng buộc, mà lớn nhất vẫn là ngôi nhà vợ chồng con cái đang sinh sống. Số tiền vay không lớn, chỉ khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng, với đồng lương ngành y của chị không thấm vào chi tiêu hàng tháng.
Chị vay tiền ngân hàng để mở thêm shop quần áo, giày dép... bán qua mạng, nhưng lãi không bao nhiêu, ế ẩm, tiền gốc bắt đầu bị "gặm nhấm" mòn mỏi qua thời gian hao hụt dần. Nợ khoản vay mặc dù kéo dài thời gian trả những 5 năm, nhưng tiền lãi và gốc vẫn là gánh nặng rất lớn cho gia đình chị T. Quá hạn, nợ không trả nổi, thế là chị T. bị hối thúc... "Quyết định bán nhà, phần thì trả nợ vay ngân hàng, phần tính toán mua mảnh đất hay ngôi nhà nhỏ cấp 4. Nhưng chuyện không may xảy ra, tiền bán nhà đội nón ra đi", chị T. ngậm ngùi chia sẻ.
Các khu dân cư cũng gặp tình cảnh tương tự (ảnh chụp ngày 19-02-2023, tại Q.Bình Thạnh)
Quả đúng là ngân hàng cho vay thì cũng rất cần những quy định về thủ tục pháp lý chặt chẽ, rõ ràng. Chẳng ai (bên cho vay và bên vay) mong muốn nợ khó đòi, nợ xấu, phá sản, hay mất tài sản thế chấp... Nhưng mong muốn làm sao các sản phẩm cho vay đến người dân nhanh chóng hơn, tốn ít thời gian, giấy tờ, nói chung là giản đơn hơn nữa để mọi người tiếp xúc vay vốn nhanh chóng. Bởi vậy, tình trạng vay nóng vẫn có "đất sống" là vậy. "Mở mắt ra là thấy trước nhà một mớ tờ rơi như quảng cáo về cho vay một cách nhanh nhất, không cần thế chấp... có tiền ngay trong ngày. Chỉ cần gọi điện thoại là có tiền", ông N.V.H (ngụ Q3) chia sẻ.
Khu nhà ông H. ở là xóm lao động nên ngày trước những tờ giấy rao cho vay nóng dán khắp nơi. Vào những ngày đầu năm 2023, phía cho vay nóng "thay đổi chiến thuật", đó là rải tờ "quảng cáo cho vay" đầy trong các con hẻm, nằm ngổn ngang trước nhà dân. Mà dính vào vay nóng thì trả nợ cũng... rất "nóng", ông H. tâm sự. Kể về vay nóng, xóm nhà ông H. có nhiều trường hợp éo le. Một chị bán hủ tiếu khá đông khách, nhưng bỗng một ngày cả hai vợ chồng bỏ đi đâu không rõ. Ông H. là khách quen hỏi ra mới biết, chị ta phải đi "né” nợ vay nóng. Nhà cửa không còn, chị bán hủ tiếu bỏ đi biền biệt vì chủ nợ liên tục đến đòi.
Lãi suất cho vay nóng hiện nay rất cao so với lãi suất vay tín chấp của các ngân hàng. Không những vậy, vay nóng có mức lãi suất vượt quá 150% so với mức lãi suất cơ bản/năm theo quy định đối với các ngân hàng. Nhưng vay nóng dù hình thức thế nào đi nữa vẫn có chung một "hậu quả”: nếu không trả nợ đúng hạn thì người cho vay sẽ dùng nhiều biện pháp đòi nợ "khắc nghiệt", gây áp lực nặng nề về tinh thần, thậm chí còn xảy ra những vụ vi phạm pháp luật như "đòi nợ kiểu xã hội đen"...