(CAO) Ngày 28-11, Công an P.4, Q.8 đã xác định được các đối tượng dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu cô gái trên đường Cao Lỗ cách đây 9 ngày. Clip vụ việc được tung lên mạng khến dư luận bất bình.
Thông tin ban đầu, nhóm thiếu nữ này là bạn với nhau. Khoảng 13 giờ ngày 19-11, Trần Ngọc H.Y (SN 2000, tạm trú xã Bình Hưng, Bình Chánh) và Trần Thị C.T (SN 2001, ngụ P.8, Q.8) có mâu thuẫn trong quan hệ đồng tính nên lên mạng xã hội hẹn nhau đến Công viên Cao Lỗ (P.4, Q.8) để nói chuyện.
Hai em làm việc với công an
Y. được “bạn trai” là Nguyễn Ngọc T.V (SN 2001, ngụ Bình Thạnh) chở đi, còn C.T. được Nguyễn Thị B.T (SN 2001, ngụ P.8, Q.8) chở đến. Sau một hồi nói chuyện, Trần Thị C.T dùng tay, sau đó dùng mũ bảo hiểm đánh liên tục vào đầu Trần Ngọc H.Y tới mức mũ bảo hiểm bị vỡ .
Thấy vậy, Nguyễn Thị B.T cũng dùng mũ bảo hiểm xông vào đánh Nguyễn Ngọc T.V. Đây chính là hai người mà trong clip ghi lại, hình ảnh giống như hai nam thanh niên đang đánh nhau.
Nguyên nhân của mâu thuẫn này được các thiếu nữ khai nhận đó là vào năm 2016, Nguyễn Ngọc T.V và Trần Thị C.T có quan hệ đồng tính với nhau. Khoảng tháng 10-2017, trong một lần kiểm tra điện thọai của “bạn trai”, Trần Thị C.T phát hiện T.V có nhắn tin tình cảm với Trần Ngọc H.Y nên ghen tuông.
Từ đó đến nay, giữa H.Y và C.T luôn nhắn tin khiêu khích qua lại và đã nhau đánh ba lần, trong đó lần đầu tiên vào ngày 15-10, nhóm này đánh nhau tại P.9, Q.8; lần hai vào ngày 12-11 và lần thứ ba đánh nhau tại P.4, Q.8.
Hỉnh ảnh đánh nhau được cắt từ clip
Theo nhiều nguồn tin, được biết, nhóm thiếu nữ tham gia đánh nhau đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, thiếu thốn tình cảm gia đình, thiếu sự quan tâm của cha mẹ.
Các em sớm phải nghỉ học và kết thân với nhau thành một nhóm và bị lệch lạc về giới tính. Nhóm bạn này gồm: có 8 người, trong đó có bốn em là nữ có thiên hướng nam, còn bốn em nữ. Các cặp đôi này trong quá trình chơi chung đã phát sinh mâu thuẫn ghen tuông và dẫn đến hành vi trên.
Vụ việc này đã phản ánh phần nào một thực tế đang diễn ra trong giới trẻ hiện nay. Đó là các em đã bị ảnh hưởng từ những thông tin trên mạng xã hội, thích khẳng định cái “tôi” một cách thái quá. Nếu thiếu đi sự uốn nắn, định hướng từ gia đình và nhà trường thì các em rất dễ chọn cho mình một xu hướng sống mà các em tự cho là nổi trội, cá tính. Điều này dễ dẫn các em đến những hành động bộc phát, sai lầm và cả những định hướng có phần lệch lạc.
Chính vì thế, trước khi lên án phản đối các em, gia đình, nhà trường và xã hội hãy quan tâm hơn nữa đến các em, giúp các em sống lành mạnh hơn, ý nghĩa hơn trước ngưỡng cửa trưởng thành. Điều này là rất quan trọng và có lẽ các em cũng rất cần điểm tựa như thế để bớt chơi vơi.