Tri ân những người phụng sự, dấn thân vì cộng đồng

Thứ Bảy, 04/09/2021 11:09

|

(CATP) Trong cơn đại dịch Covid-19 khốc liệt, chúng ta chứng kiến những tấm gương hy sinh, những tấm lòng nhân ái, nghĩa hiệp vì đồng bào mình. Họ như những đóa sen ngát hương, xứng đáng được xã hội tôn vinh và mãi nhớ ơn…

"Bông hoa tuyệt đẹp" nở giữa mùa dịch

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, là đợt bùng phát dịch kéo dài nhất, quy mô dịch được đánh giá là rất lớn, chưa có tiền lệ, gây tổn thất lớn cả về sinh mạng lẫn thiệt hại về kinh tế, an sinh xã hội mà không thể một sớm một chiều có thể khắc phục được. Đặc biệt, dịch kéo dài ở TPHCM và các tỉnh phía Nam đã đẩy nhiều gia đình, cá nhân vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Chính phủ, các địa phương đã đưa ra nhiều gói cứu trợ, an sinh kịp thời để giúp hàng triệu hộ dân cầm cự với dịch bệnh. Trong hoàn cảnh đó, chưa bao giờ tinh thần "lá lành đùm lá rách" trở thành phong trào có tính nhân văn cao cả, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mỗi khi thiên tai địch họa.

Những đoàn thể xã hội vào cuộc, những hội nhóm thiện nguyện, những cá nhân xả thân vì đồng bào đã nở rộ trong tình cảm yêu thương đồng bào dào dạt, giang tay giúp đỡ nhiều hoàn cảnh hết sức khó khăn đang phải oằn mình chống chọi với dịch bệnh. Đặc biệt, những tấm gương hy sinh cao cả của lực lượng tuyến đầu, những y bác sĩ, điều dưỡng, những cán bộ chiến sĩ lực lượng công an, quân đội, thậm chí chấp nhận hy sinh trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Họ là những "bông hoa tuyệt đẹp" nở giữa mùa đại dịch, khi cả nước lao vào cuộc chiến chống "giặc Covid-19" chưa từng có.

Họ cần được biểu dương, tôn vinh và xứng đáng được tôn vinh. Ngày 31-8, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thông báo ý kiến của Chủ tịch nước yêu cầu khen thưởng kịp thời những tấm gương chống dịch.

Văn bản nêu rõ: "Trong thời gian qua cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng; cả hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh, trong đó, tiêu biểu đặc biệt là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và các cá nhân tự nguyện hoạt động từ thiện, cứu trợ trong nhân dân. Trong cuộc đấu tranh đó đã có nhiều tấm gương hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ, công việc của mình...".

Anh Cường "béo" đã vĩnh biệt chúng ta nhưng tấm lòng thơm thảo vẫn còn đó

Để kịp thời động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước trong cuộc đấu tranh đẩy lùi và chiến thắng đại dịch Covid-19, Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương phát hiện, đề xuất khen thưởng kịp thời những thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhất là những tấm gương hy sinh quên mình trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kể cả những tình nguyện viên và người làm công tác thiện nguyện đang ngày đêm cùng người dân chống chọi với dịch Covid-19.

Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 221/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Theo Thông báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chú trọng nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật.

Theo thông báo này, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, biến chủng Delta bùng phát mạnh, lây lan nhanh tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, đã xuất hiện nhiều tấm lòng vàng trong công tác thi đua phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều gương điển hình tiên tiến, nhiều mô hình mới, cách làm hay cần được phát huy và tuyên dương kịp thời. Những chỉ đạo đó là hết sức kịp thời để động viên tinh thần toàn xã hôi chung sức chống đại dịch Covid-19.

Những tấm lòng nhân ái

Chỉ tính riêng trên mặt trận tuyến đầu phòng chống dịch, biết bao nhiêu tấm gương các bác sĩ, điều dưỡng đã lao động cật lực, ngày đêm chăm lo sức khỏe cho dân, giành giật từng mạng người, bất chấp nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Theo Công đoàn ngành Y tế, cán bộ y tế là người đối mặt với nhiều áp lực trong điều trị khi phải làm việc gấp đôi bình thường. Họ còn phải chịu áp lực lớn hơn nữa là số ca bệnh tăng nhanh, bệnh nhân tử vong nhanh chóng khiến các cán bộ y tế bất lực. Nhiều người đã bật khóc, stress vì không cứu được người bệnh.

Biết bao gương lao động điển hình, như một nữ bác sĩ ở Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM), tự vắt sữa mình để nuôi con bệnh nhân Covid-19 cũng đang mắc bệnh. Hình ảnh đó làm chúng ta rưng rưng nước mắt. Có bác sĩ, điều dưỡng đi chống dịch biền biệt nhiều tháng, khi đi con mình chưa biết bò, đến ngày về con đã biết đi, quên mặt bố mẹ, là những câu chuyện gần như bình thường trong lúc cả nước lao vào chống dịch.

Đến nay đã có hơn 2.300 nhân viên y tế nhiễm bệnh, trong đó có những nhân viên y tế tử vong trên mặt trận điều trị, gồm 2 trường hợp tại TPHCM và 1 tại Bình Dương là nỗi xót xa, trăn trở lớn. Họ xứng đáng được công nhận liệt sĩ.

Những chiến sĩ công an, quân đội cũng vậy. Đây là lực lượng tuyến đầu lao vào chống dịch với tất cả quyết tâm, chấp nhận hy sinh và đã có nhiều người bị phơi nhiễm, có người hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc, của nhân dân. Họ xứng đáng được tuyên dương.

Những mô hình "ATM oxy", "ATM gạo", "Siêu thị 0 đồng", "Suất cơm 0 đồng", những chuyến xe cung cấp miễn phí thực phẩm, rau củ quả, của đồng bào ta ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây nườm nượp hướng về TPHCM và các tỉnh trọng điểm dịch phía Nam, để cho bà con được ăn no, ăn ngon, đủ sức chống chọi với dịch bệnh bủa vây. Làm sao cầm lòng được với hình ảnh một em bé Tây Nguyên xách chỉ 1 quả bí góp cho đồng bào mình ở TPHCM hoa lệ, mà chắc chắn em bé ấy chưa một lần đặt chân đến, chưa một lần thấy ánh đèn rực rỡ đô thị mà em đang hướng đến với tâm hồn thơ ngây trong sáng, chỉ biết quả bí ấy sẽ là món canh ngon cho các bạn, các mẹ, các ba, các chú, các bác đang chống dịch...

Trong hoạn nạn cực kỳ tàn khốc ấy đã sáng lên những tấm lòng thơm thảo, rực rỡ, bao dung, nghĩa tình, đầy ắp yêu thương như Bồ tát. Cường "béo", là một nhân vật như vậy. Anh tên thật là Vũ Quốc Cường (là một Phật tử, SN 1975, ngụ phường Bến Nghé, quận 1), thân thuộc với người nghèo bằng hình ảnh gần gũi với chiếc áo lam của người Phật tử tại gia. Anh Cường đã mở 2 quán cơm chay xã hội để hỗ trợ người nghèo, là điểm đến thân thuộc của hàng ngàn người nghèo tại TPHCM.

Trước đó, anh Cường đã tổ chức các chương trình từ thiện cho người nghèo như hỗ trợ quà cho người già, mổ mắt, các chương trình cứu trợ miền Tây, tặng học bổng cho học sinh... Khi dịch bệnh bùng phát, anh Cường và bạn bè tiếp tục nấu cơm từ thiện hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Sau nhiều tháng thực hiện các hoạt động thiện nguyện nơi tâm dịch, anh Cường phát hiện mắc Covid-19. Sau đó, cả vợ và những người trong gia đình cũng dương tính với SARS-CoV-2, phải đi cách ly, điều trị và Covid-19 đã cướp mất anh - một nghĩa hiệp của người nghèo!

Như anh Phạm Hồng Minh ở Biên Hòa, Đồng Nai, một nhân vật chỉ bán rau mà nổi tiếng trên mạng xã hội không phải vì những xì-căng-đan mà vì tấm lòng thơm thảo, nhân ái giữa mùa dịch, với những sologan bán hàng vui, dí dỏm và nhân ái. Suốt 7 năm qua, anh liên tục trích 10 - 30% lợi nhuận từ việc buôn bán để mua rau, củ tặng miễn phí cho công nhân và sinh viên, người có thu nhập thấp. Trong mùa dịch, giá rau tăng ào ào, anh vẫn bán giá rẻ, vừa bán vừa cho, vừa tặng cho những bà con nghèo...

Anh Phạm Hồng Minh

Anh nói, mùa dịch này làm giàu dễ ợt, hàng bán chạy như tôm tươi. Anh cười cười bảo, mới đây còn bị bạn hàng nhắn tin chê là ngu dại, khoe họ vẫn đang thu lời 5 - 10 triệu đồng/ngày. "Mấy tuần nay, tụi tao hốt bạc Minh "râu" ơi. Ngày lời 5 - 10 triệu bình thường, mày ngu lắm..." - một bạn hàng nhắn cho anh như vậy nhưng anh chỉ mỉm cười, vẫn vừa bán vừa cho, bởi anh nói làm giàu thiếu gì lúc, ai lại làm giàu giữa mùa đại dịch khổ đau này!

Đại dịch vẫn đang hoành hành, những người ở tuyến đầu trong chiếc blouse trắng vẫn tiếp tục hy sinh, tiếp tục lao vào cuộc chiến khốc liệt, dù có thể họ bị ngã gục giữa "chiến trường". Những chiến sĩ công an, quân đội, hơn lúc nào hết đang xông pha giữa môi trường dễ bị lây nhiễm, họ vẫn chấp nhận đối mặt với kẻ thù trên một mặt trận không có tiếng súng và chấp nhận hy sinh, gian khổ.

Giãn cách xã hội càng kéo dài, những người yếu thế trong xã hội càng ngày càng khó khăn. Họ đang cần những tấm lòng từ bi bác ái của tất cả chúng ta. Và chúng ta tin chắc rằng, trong tận cùng khó khăn, đau khổ ấy, những con người tốt sẽ tiếp tục xuất hiện, thắm nghĩa đồng bào.

Rồi đây, khi khống chế được dịch bệnh, chúng ta sẽ có một buổi lễ tưởng niệm đồng bào mình ra đi vì đại dịch. Nhưng chúng ta cũng mong rằng, cũng sẽ có một buổi lễ tôn vinh để ghi nhớ lòng nhân ái của những tấm lòng Bồ tát, vì đồng bào mình, vì dân mình. Họ xứng đáng được tất cả chúng ta nhớ ơn!

Bình luận (0)

Lên đầu trang