(CAO) Một tàu chở hàng của Đan Mạch tuần này bắt đầu hành trình di chuyển từ thành phố cảng Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga, đi xuyên Bắc Băng Dương qua vùng lãnh thổ phía bắc của Nga để cập cảng ở Châu Âu.
Sự kiện này được ghi nhận là lần đầu tiên có tàu chở container đi qua hải trình khắc nghiệt Bắc Băng Dương, tạo ra cung đường vận tải biển mới thay vì các tàu phải đi vòng qua eo Malacca, tiến vào kênh đào Suez để lên Châu Âu.
Các nhà hoạt động môi trường đang lo ngại trước “thành công” này trái với sự vui mừng của giới thương nhân vì điều này chứng tỏ biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, trái đất ấm dần lên khiến băng tan ở vùng cực giúp các tàu phá băng dễ dàng “khai khẩn” tạo nên một cung đường thương mại mới.
BBC hôm 24-8 đưa tin tàu Venta Maersk thuộc sở hữu của Maersk Line – một nhánh của tập đoàn vận tải biển Maersk nổi tiếng của Đan Mạch cho biết con tàu chở theo 3,600 container hàng hoá. Họ hy vọng tàu sẽ cập cảng St Petersburg (Nga) đúng tiến độ, nhanh hơn 14 ngày so với việc phải di chuyển xuống phía nam, vòng qua kênh đào Suez.
Biến đổi khí hậu khiến băng tan phát lộ con đường thương mại hàng hải băng qua Bắc Băng Dương - Ảnh: Getty
Vì là tàu thương mại tiên phong đi ngả đường Bắc Băng Dương, Maersk dự kiến sẽ thu thập dữ liệu về tình trạng tan băng ở tuyến đường này nhằm tạo nên một tuyến đường vận tải hàng hải khả dĩ trong tương lai.
Trước nay tuyến đường này chưa được chú tâm khai phá vì muốn băng qua được cần phải có tàu phá băng vận hành bằng năng lượng hạt nhân với chi phí đắt đỏ mở đường.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, khi Trái đất ngày càng nóng lên do hiệu ứng nhà kính với việc nhiệt độ mùa hè ở một số nơi tại Bắc Băng Dương có thể lên đến 30 độ C khiến băng tan. Tính thực tế của con đường này vì thế được mở ra.
Một tin vui cho những công ty vận tải như Maersk nhưng đồng thời cũng là hồi chuông báo động cho môi trường sống của chúng ta.
Cung đường băng qua Bắc Băng Dương - Ảnh: BBC