Dòng hải lưu thay đổi có khả năng gây thảm họa cho hành tinh

Thứ Tư, 26/07/2023 11:59  | Anh Duy

|

(CAO) Các nhà khoa học mới đây đã phát đi cảnh báo về một hệ thống quan trọng của các dòng hải lưu có thể thay đổi trong vòng vài thập kỷ tới nếu thế giới tiếp tục thải ra khí ô nhiễm làm nóng hành tinh - một sự kiện sẽ là thảm họa đối với thời tiết toàn cầu và “ảnh hưởng đến mọi người trên hành tinh”.

Theo đó, một nghiên cứu mới được công bố hôm 25-7 trên tạp chí Nature, đã phát hiện ra rằng Dòng chảy ngược Kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) có thể biến mất vào khoảng giữa thế kỷ này, hoặc thậm chí sớm nhất là vào năm 2025.

Các nhà khoa học không tham gia vào nghiên cứu này nói với CNN rằng, điểm tới hạn chính xác của hệ thống quan trọng này là không chắc chắn và các phép đo cho đến nay cho thấy rất ít xu hướng hoặc thay đổi. Nhưng họ đồng ý rằng, những kết quả này rất đáng báo động và cung cấp bằng chứng mới cho thấy điểm bùng phát có thể xảy ra sớm hơn so với suy nghĩ trước đây.

AMOC là một mớ phức tạp của các dòng hải lưu hoạt động giống như một băng chuyền toàn cầu khổng lồ. Nó vận chuyển nước ấm từ vùng nhiệt đới về phía Bắc Đại Tây Dương, nơi nước nguội đi, trở nên mặn hơn và chìm sâu vào đại dương, trước khi lan xuống phía nam.

Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu, giúp điều chỉnh các kiểu thời tiết toàn cầu. Sự biến mất của nó sẽ đem đến những tác động to lớn, bao gồm mùa đông khắc nghiệt hơn nhiều; mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến các khu vực của Châu Âu và Mỹ và sự thay đổi của gió mùa ở vùng nhiệt đới.

Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã cảnh báo về sự bất ổn định của nó khi khủng hoảng khí hậu gia tăng, đe dọa làm đảo lộn sự cân bằng nhiệt độ và độ mặn vốn phụ thuộc vào cường độ của các dòng hải lưu này.

Khi các đại dương nóng lên và băng tan, nhiều lượng nước ngọt hơn chảy vào đại dương làm giảm mật độ nước, khiến nước ít có khả năng chìm hơn. Khi nước trở nên ít mặn, quá ấm hoặc cả hai, băng chuyền sẽ dừng lại.

Nó đã xảy ra trước đây. Hơn 12.000 năm trước, sự tan chảy sông băng nhanh chóng đã khiến AMOC ngừng hoạt động, dẫn đến sự dao động nhiệt độ lớn ở Bắc bán cầu từ 10 đến 15 độ C trong vòng một thập kỷ.

Peter de Menocal, chủ tịch Viện Hải dương học Woods Hole, người không tham gia nghiên cứu, cho biết việc ngừng hoạt động “sẽ ảnh hưởng đến mọi người trên hành tinh”.

Một báo cáo năm 2019 của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã dự đoán rằng AMOC sẽ suy yếu trong thế kỷ này, nhưng khó có thể xảy ra việc ngừng hoạt động hoàn toàn của nó trước năm 2100.

Sự thay đổi của dòng hải lưu có thể gây thảm họa cho hành tinh 

Nghiên cứu mới này đi đến một kết luận đáng báo động hơn nhiều.

Vì AMOC chỉ được theo dõi liên tục kể từ năm 2004, các tác giả nghiên cứu đã xem xét một bộ dữ liệu lớn hơn để đối chiếu với một bộ dữ liệu khác có thể cho thấy các dòng hải lưu hoạt động như thế nào trong thời kỳ không có biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Peter Ditlevsen, giáo sư vật lý khí hậu tại Đại học Copenhagen và là một trong những tác giả của báo cáo cho biết: “Chúng ta cần quay ngược thời gian. Các nhà khoa học đã phân tích nhiệt độ mặt nước biển ở Bắc Đại Tây Dương ở khu vực phía nam Greenland trong khoảng thời gian 150 năm từ 1870 đến 2020”.

Ditlevsen chia sẻ thêm, phần này của đại dương được làm ấm bởi nước được AMOC vận chuyển về phía bắc từ vùng nhiệt đới, “vì vậy nếu nó nguội đi, đó là do AMOC đang yếu đi”. Sau đó, các tác giả đã loại trừ tác động của sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra đối với nhiệt độ nước để hiểu các dòng hải lưu đang thay đổi như thế nào.

Họ đã tìm thấy “những tín hiệu cảnh báo sớm” về những thay đổi quan trọng trong AMOC, khiến họ dự đoán “với độ tin cậy cao” rằng nó có thể ngừng hoạt động sớm nhất là vào năm 2025 và không muộn hơn năm 2095. Điểm sụp đổ có khả năng cao nhất là vào khoảng giữa năm 2039 và 2070, Ditlevsen cho biết.

“Điều đó thực sự đáng sợ” – ông nói với CNN.

Nghiên cứu mới “cung cấp một phân tích mới tập trung vào thời điểm điểm bùng phát khiến AMOC sụp đổ sẽ xảy ra” - de Menocal thông tin, đồng thời dự đoán sự sụp đổ sẽ xảy ra vào khoảng năm 2050. Mặc dù, ông nói thêm, điều quan trọng cần lưu ý là chưa có bằng chứng quan sát nào cho thấy AMOC đang sụp đổ.

Stefan Rahmstorf, giáo sư vật lý đại dương tại Đại học Potsdam ở Đức, người cũng không tham gia vào nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này giúp củng cố các nghiên cứu trước đây. Ông nói với CNN: “Vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về điểm bùng phát của AMOC, nhưng nghiên cứu mới bổ sung bằng chứng cho thấy nó gần hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ chỉ vài năm trước".

“Bằng chứng khoa học hiện nay là chúng ta thậm chí không thể loại trừ khả năng vượt qua điểm bùng phát trong một hoặc hai thập kỷ tới” – ông nói.

Báo cáo kêu gọi các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả để giảm ô nhiễm làm nóng hành tinh xuống mức 0, giảm nhiệt độ toàn cầu và làm chậm quá trình tan chảy ở Bắc Cực. “Điểm mấu chốt của nghiên cứu này là chúng ta không có nhiều thời gian để làm điều này” - de Menocal nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang