Bí ẩn thành phố mất tích Atlantis - Kỳ cuối: Những phát hiện đột phá

Thứ Hai, 24/07/2017 10:19  | Đức Thiện - Thái Dương

|

(CAO) Cho đến nay, những phát hiện liên quan đến Atlantis vẫn không thể đưa ra kết luận về sự tồn tại của thành phố này. Dù sao, ít nhiều thì nó cũng đã đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại những kiến thức mới và thôi thúc trí tò mò, khả năng khám phá của con người.

Bí ẩn thành phố mất tích Atlantis - Kỳ 2: Atlantis đang ở đâu?
 

Chiếc neo của đạo diễn…Titanic

James Cameron không phải là cái tên quá xa lạ. Ông chính là đạo diễn của bộ phim nổi tiếng năm 1997 Titanic. Bộ phim của ông tạo ra súc hút lớn cho đến tận ngày nay và giành được nhiều giải Oscar.

Không chỉ là một nhà làm phim, Cameron còn có sở thích thám hiểm. Bản thân ông thậm chí đã có nhiều lần đến thăm xác tàu thật của con tàu Titanic trước và cả sau khi bộ phim được công chiếu.

Giờ đây, sau những thành công vang dội trong làng điện ảnh, James Cameron tiếp tục dành thời gian cho những chuyến thám hiểm. Và một trong những việc làm của ông, là tham gia đoàn làm phim tư liệu về thành phố mất tích Atlantis.

Hồi tháng 1 năm nay, bộ phim tư liệu Atlantis Rising (Tạm dịch: Atlantis trỗi dậy) do National Geographic sản xuất đã bắt đầu công chiếu trên truyền hình tại Mỹ. Bộ phim là hành trình đi tìm lời giải cho thành phố Atlantis của hai nhà làm phim nổi tiếng James Cameron và Simcha Jacobovici cùng các chuyên gia là các nhà khảo cổ, lịch sử học,…

Cuộc tìm kiếm của đoàn thám hiểm được tiến hành ở vùng biển Địa Trung Hải, ngay khu vực được gọi là Cột trụ của Héc-quyn – tức eo biển Gibralta, ngay dưới Tây Ban Nha ngày nay. Đây chính là nơi mà ghi chép của Plato khẳng định về vị trí tồn tại của Atlantis. Đoàn thám hiểm đã sử dụng nhiều những tư liệu của Plato và công nghệ tiên tiến để khảo sát đáy biển.

Một trong những phát hiện thú vị mà đoàn thám hiểm tìm thấy, đó là 6 mỏ neo cổ. Các chuyên gia cho rằng những mỏ neo này có từ thời kỳ đồ đồng. Rất có thể, đây là những dấu tích còn xót lại của Atlantis sau khi nó bị nhấn chìm xuống đáy biển.

Khám phá này của đoàn thám hiểm Atlantis Rising có thể mang tính đột phá, nhưng để khẳng định nó thật sự thuộc về thành phố Atlantis cổ vẫn cần thêm thời gian. Ngay cả James Cameron cũng không dám chắc về những gì mình đã tìm thấy.

“Những chiếc mỏ neo là thứ mà chưa ai từng thấy”, Cameron trả lời phỏng vấn với People. “Có phải nó là bằng chứng về Atlantis? Dĩ nhiên là không. Nhưng nó gây ra sự tò mò vì đây là bằng chứng vật chất cho những giả thuyết vốn đã tồn tại rất nhiều năm”.

Tuy không dám đưa ra kết luận cuối cùng, song hai nhà làm phim Cameron và Jacobovici đều hy vọng nó giúp mang đến nhiều khám phá mới cho nhân loại, dù cho nó không phải là Atlantis mà họ đang tìm kiếm. Còn với những người mê phim ảnh, đang có những đồn đoán rằng vị đạo diễn Titanic sẽ lấy cảm hứng từ chuyến đi để chuẩn bị bấm máy một siêu phẩm điện ảnh mới.

Thành phố dưới nước của Trung Quốc

Không phải là Atlantis, nhưng tại Trung Quốc có tồn tại một thành phố cũng từng bị nhấn chìm dưới đại dương tương tự như huyền thoại của Plato. Điều đáng nói là thành phố bị nhấn chìm ngay trong thời hiện đại, và do bởi hoạt động của con người. Thế mà nó lại bị lãng quên trong suốt hơn 50 năm.

Sư Thành (Shi Cheng) – còn được gọi là thành phố Sư Tử, tọa lạc dưới đáy hồ nhân tạo Thiên Đảo (tỉnh Chiết Giang). Nó được mang tên này do nằm ngay dưới chân núi Ngũ Sư (5 con sư tử). Ngày nay, nó được gọi bằng cái tên “Atlantis của phương Đông”.

Thành phố này vốn đã tồn tại từ thời phong kiến ở Trung Quốc. Có thông tin cho rằng nó xuất hiện cách đây khoảng 1.300 năm. Còn theo BBC, các đồ chạm khắc bằng đá có niên đại từ thời nhà Mình kéo dài đến nhà Thanh (từ năm 1368 đến năm 1912).

Daily Mail khẳng định Sư Thành là trung tâm về chính trị và kinh tế của tỉnh Chiết Giang khi xưa. Tuy nhiên đến năm 1959, chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ quyết định nhấn chìm thành phố xuống đáy hồ Thiên Đảo nhằm xây đập thủy điện. Khoảng 300.000 người khi đó đã phải tái định cư ở nơi khác. Trong số đó có nhiều gia đình đã sống ở Sư Thành trong nhiều thế kỷ.

Sau khi yên bề dưới mặt biển, Sư Thành dần bị quên lãng trong ký ức của nhiều người. Cho đến tận năm 2001, chính phủ Trung Quốc mới cho tái khám phá lại Sư Thành bằng cách tổ chức một chuyến thám hiểm tìm kiếm di tích của thành phố cổ.

10 năm sau đó, vào cuối năm 2011, tạp chí Nation Geography Trung Quốc cho công bố những bức ảnh đầu tiên từng được thấy về Sư Thành. Ước tính từ các chuyến thám hiểm cho thấy Sư Thành có diện tich khoảng nửa cây số vuông. Các bức ảnh cho thấy thành cổ có 5 cổng. Các bức chạm khắc bằng đá hình các con sư tử, rồng, phượng hoàng và các ghi chú cổ.

Điều đáng nói ở đây là dù đã ở lâu năm dưới đáy hồ, song các tác phẩm chạm khắc vẫn còn rất nguyên vẹn. Các chuyên gia cho rằng việc nằm dưới đại dương đã giúp bảo vệ các công trình tranh khỏi tác động từ thiên nhiên như mưa, gió, ánh sáng mặt trời cũng như sự phun trào núi lửa.

Cho đến nay, toàn bộ công trình tìm kiếm Sư Thành vẫn còn dang dở. Vì vậy mà các chuyến thám hiểm đáy hồ vẫn được xúc tiến. Theo Our World, Sư Thành hiện nay được khai thác làm điểm đến du lịch tại Trung Quốc. Các tàu ngầm có khả năng lặn tối đa 3,8 mét được sử dụng để đưa các du khách xuống tham quan thành cổ.

Sư Thành chắc chắn không phải là Atlantis. Nhưng phát hiện lý thú về nó lại trở thành tiền đề cho nhiều nhà thám hiểm tin vào sự tồn tại của nó. Truyền thuyết của Plato chắc chắn sẽ còn khiến nhiều người phải đau đầu trong một thời gian dài. Thế nhưng với sự tò mò và bản năng khám phá, chắc chắn chúng ta sẽ không từ bỏ trong việc đưa ra câu trả lời về Atlantis.

Bí ẩn thành phố mất tích Atlantis - Kỳ 1: Truyền thuyết từ ngàn năm
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang