Nam giới “mặt hoa, da phấn” ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc

Thứ Tư, 05/09/2018 17:25

|

​(CAO) Thông thường, một người đàn ông mang gương mặt được trang điểm ra đường có thể sẽ nhận lấy những ánh nhìn không mấy thiện cảm.

Những người xung quanh có thể bàn tán về độ nam tính, hay thậm chí là về “nghi vấn” giới tính của những người này. Thế nhưng ở Hàn Quốc, ý tưởng về việc làm sao để trông “đẹp trai” hơn của nam giới nước này đang dần thay đổi thái độ và tác động đến chuẩn mực về cái đẹp trên toàn thế giới.

Phóng viên Saira Asher của BBC mới đây đã có bài viết phản ánh hiện tượng nam giới “mặt hoa, da phấn” khi ra đường ngày càng phổ biến ở nước này.

Khi BBC đăng tải một đoạn video về quá trình trang điểm cầu kỳ của một YouTuber (người đăng tải video về một chủ đề trên Youtube để lôi kéo người xem) sống ở Seoul, phản ứng của dư luận nhìn chung rất trái chiều.

Một số cho rằng nam giới trang điểm đồng nghĩa với việc họ là gay (người đồng tính nam) trong khi một số khác đưa ra lời khuyên chân thành: “Đàn ông đích thực thì không nên trang điểm”. Dĩ nhiên một số khác lại bảo vệ cho quyền tự do cá nhân của YouTuber này. Tuy nhiên nhìn chung vẫn là xu hướng phản đối những người có “độ nam tính mỏng manh” như người trong đoạn video.

Nam giới Hàn Quốc trang điểm đậm khi ra đường - Ảnh: BBC

Kim Seung-hwan từng phải trải qua những cung bậc đánh giá đó của dư luận. Anh cho biết mình từng bị một số người Hàn Quốc trên mạng gọi anh là gay khi xem đoạn clip anh hướng dẫn quá trình trang điểm cho nam giới.

Khi được hỏi có bao giờ anh nghĩ về việc mình trông sẽ nữ tính đi sau khi trang điểm hay không, Kim bác bỏ ngay quan điểm đó và cho rằng mình chưa từng nghĩ như vậy.

“Không, tôi không nghĩ thế. Tôi không nghĩ mình sẽ trông nữ tính hơn khi trang điểm. Đó chỉ đơn thuần là việc làm cho mình trông hấp dẫn hơn” – Kim nói với BBC.

Bên trong một salon làm đẹp cho nam

Trong khi vẫn còn thái độ không ưa đối với những nam giới trang điểm khi ra đường, trong một salon làm đẹp ở quận Gangnam của Seoul, sự khác biệt đã diễn ra. Đó là lát cắt cho thấy sự thay đổi quan trọng trong cái nhìn của một nền văn hoá.

Khi phóng viên BBC đến, Han Hyun-jae – một “nghệ nhân” trang điểm cấp cao của salon này đang trét phấn nền, kẻ mắt và tô son lên mặt một người đàn ông. Anh chọn bộ sản phẩm trang điểm có thương hiệu được hầu hết phụ nữ sử dụng và nhiều lần lặp lại rằng khách hàng nói muốn trang điểm kiểu này cho giống với các ngôi sao thần tượng K-pop.

Những người đàn ông trẻ tự tin bước vào tiệm và sau đó rời đi với làn da và tóc được chăm sóc hoàn hảo. Nhiều người trong số họ là ca sĩ hoặc diễn viên trên đường đến dự các sự kiện quảng cáo.

Một người đàn ông có mặt trong salon đang được trang điểm cho ngày cưới của anh, việc mà đàn ông Hàn Quốc ngày nay vẫn thường làm. Anh chọn màu son đỏ cho ngày đặt biệt của mình.

"Chúng tôi làm cho làn da của họ sạch hơn, lông mày trông tối hơn, đường viền khuôn mặt của họ trở nên thanh tú, trông nam tính hơn theo cách mà họ không thể tự làm". Han nói. Ông cho biết khách hàng của mình muốn trông giống như thần tượng K-pop yêu thích của họ.

Một người nói với BBC: Tôi thường sử dụng toner và lotion, sau đó là kem CC (kem điều chỉnh màu sắc). Tôi sẽ sử dụng mặt nạ dưỡng da sau khi đã tẩy tế bào chết trên gương mặt - ảnh: BBC

Từ nhiều năm qua, các nhóm nhạc K-Pop và các bộ phim tình cảm dài tập của Hàn Quốc đã trở thành nguồn tác động to lớn về chuẩn mực cái đẹp của những người trẻ ở Hàn Quốc. Năm ngoái, K-pop chiếm thế thượng phong so với dòng nhạc US và UK.

“Tôi nghĩ Hàn Quốc là quốc gia tiên phong trong việc truyền bá văn hóa làm đẹp của nam giới ở châu Á vào thời điểm này, nếu không nói là trên bình diện toàn cầu. Cách mà các ngôi sao K-pop thể hiện độ nam tính, có nghĩa là trở thành một người đàn ông đẹp theo một cách khác mà không trở thành dị tính đã mở ra khả năng (một trào lưu) cho nam giới thể hiện việc (trang điểm) trên đường phố và cuối cùng đã làm cho việc này (trang điểm) dễ chấp nhận hơn” - Joanna Elfving-Hwang đến từ Đại học Tây Úc, người đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng về vẻ đẹp và hình ảnh ở Hàn Quốc nhận định.

Điều đó không có nghĩa là mọi nam giới ở Hàn Quốc khi ra đường đều mang bộ mặt điểm trang toàn diện. Nhưng ở những khu vực là đại diện của sự trẻ trung và thời trang như khu mua sắm Myeung-dong ở Seoul, không khó bắt gặp hình ảnh những nam thanh niên ra đường với mặt trét kín bằng phấn nền hay kem dưỡng da (một loại kem dưỡng ẩm với tông nền sáng màu).

Đây là lát cắt cho phép chúng ta biết rõ hơn về những gì có thể chấp nhận được đối với nam giới khi nói đến vẻ đẹp ở đất nước này.

Ở Hàn, nam giới thường trang điểm trong ngày cưới của mình - Ảnh: BBC

Từ chàng trai gai góc đến chàng trai xinh đẹp

Quan điểm về chuẩn mực cái đẹp không phải giống nhau ở mọi thời. Trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, cái đẹp của nhân viên văn phòng là chuẩn mực phổ biến: Nam giới khoác lên mình một bộ suit, tay đeo đồng hồ sang trọng đi cùng một cái nhìn nam tính mạnh mẽ kiểu truyền thống là tiêu chuẩn. Hàn Quốc lúc đó còn có quy chuẩn quốc gia xác định những gì khiến một người đàn trông sẽ hấp dẫn.

"Trong những năm 80 và 90, đàn ông trong showbiz Hàn phần lớn được miêu tả với hình tượng rắn rỏi trong phim xã hội đen và thám tử, và hình ảnh những người đàn ông trẻ nổi loạn trong một số bộ phim truyền hình" - Sun Jung, tác giả của cuốn sách Nam tính và Văn hoá tiêu thụ ở Hàn Quốc nhận định.

Tuy nhiên tất cả đã thay đổi vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước khi nhóm nhạc Seo Taeji và The Boys bắt đầu trình diễn, theo giáo sư Elfving-Hwang. Họ sử sụng các dòng nhạc rap, rock và techno để trình diễn và không sử dụng tiếng Anh để hát. Họ đã tạo nên nền văn hoá của những người hâm mộ, nay đã trở thành lực lượng chủ đạo điều hướng trong nền công nghiệp âm nhạc.

Sau đó hàng loạt công ty giải trí ra đời sản sinh ra hàng loạt ban nhạc K-pop nam và nữ với sức tác động vào văn hoá đời sống chưa từng có từ trước đến nay.

“So với thập niên 80 và 90, giờ đây độ nam tính có vẻ “mềm” hơn. Hình ảnh đẹp trai và nam tính trở nên nhẹ nhàng hơn (không gai góc như xưa), trở thành chuẩn mực của cái đẹp đại diện trên truyền thông. Người tiêu dùng hoan nghênh và chấp nhận xu hướng này” – Tiến sĩ Sun Jung nhận định.

Diễn viên Song Joong-ki dẫn đầu làn sóng "mặt hoa, da phấn" ở nam giới Hàn - Ảnh: FRANCOIS DURAND

Hiện tượng này được gọi là Khonminam – sự kết hợp của từ “hoa” và một người đàn ông “đẹp trai” (Mặt hoa, da phấn). Theo tiến sĩ Sun, gốc từ này lấy cảm hứng từ Nhật Bản chỉ sự kết hợp giữa những chàng trai đẹp mã với thể loại truyện tranh Shojo (truyện tranh dành cho những cô gái).

Nhưng việc điểm trang đó không hẳn là một sự nữ tính hoá. “Tôi nghĩ rằng hiện tượng này nên được giải thích thông qua khái niệm về nam tính linh hoạt – tức sự dung hoà giữa vẻ mềm mại (dịu dàng, có chút nữ tính) và vẻ nam tính (cứng cỏi) cùng một lúc - đó là sự khác biết nhằm tạo sự chú ý" - tiến sĩ Jung nhận định.

Vị tiến sĩ này dẫn ra hiện tượng diễn viên Song Joong-ki – ngôi sao nổi tiếng qua bộ phim “Hậu duệ Mặt trời” là đại diện cho khonminam (hiện tượng mặt hoa, da phấn). Khi nhập vai là thủ lĩnh trong quân đội, Song đồng thời cũng thể hiện mình là một chàng trai rắn rỏi, nam tính.

Các bộ phim như Hậu duệ mặt trời và những bộ phim tình cảm dài tập khác của Hàn Quốc đã giúp đưa chuẩn mực cái đẹp kiểu “mặt hoa, da phấn” lan khắp châu Á qua làn sóng Hàn Quốc (Hàn lưu) và hiện nay là trên toàn cầu.

Các nam thần tượng hiển thị trên các biển quảng cáo treo khắp Seoul cùng những sản phẩm như mặt nạ đắp mặt hay các sản phẩm dưỡng ẩm. Các công ty mỹ phẩm không ngừng tìm kiếm thị phần từ nam giới để bán các sản phẩm trang điểm của nữ giới.

Những người hâm mộ của các thần tượng Hàn Quốc ở những nơi như Trung Quốc, Thái Lan và Singapore cũng không bỏ qua xu hướng này.

"Nam giới ở Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á có xu hướng nghĩ rằng đàn ông Hàn Quốc mang một vẻ đẹp tiêu biểu", Lee Gung-min, một nhà tư vấn cho các công ty làm đẹp Hàn Quốc nhận định. "Điều đó có tác động rất lớn đến người tiêu dùng nam giới ở châu Á".

Bùng nổ sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc

Vượt qua bên ngoài lãnh thổ Châu Á, các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc nay đang bắt đầu bán rất chạy ở thị trường Mỹ và Châu Âu.

Hai chuỗi siêu thị lớn Walmart và Sephora giờ đây đã có dòng sản phẩm làm đẹp Hàn Quốc trên kệ hàng còn các blogger làm đẹp liên tục đề cập đến thói quen làm đẹp của mình thông qua 10 bước làm cho làn da trắng sáng kiểu Hàn. Những người đam mê trang điểm ở Mỹ và châu Âu đang nhanh chóng làm quen với các thương hiệu làm đẹp trước đây vốn chỉ phổ biến ở châu Á như TonyMoly, Innisfree và Etude House.

Ngay cả những thương hiệu mỹ phẩm làm mưa làm gió ở phương Tây cũng đã vào cuộc tạo ra các phiên bản sản phẩm của riêng họ có nguồn gốc từ Hàn Quốc - như Clinique, Lancome và L'oreal giới thiệu các sản phẩm phấn nước kiểu Hàn.

Ước vọng có được một khuôn mặt hoàn hảo đã góp phần vào sự gia tăng làn sóng phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc để đạt được khung xương hàm hoặc cánh mũi mong muốn. Song song đó nó cũng làm dấy lên mối bận tâm sâu sắc về cách thức bạn thể hiện bản thân trước người khác.

Các hãng mỹ phẩm lấn sân sang nhãn hàng dành cho nam giới - Ảnh: BBC

Mối bận tâm đó giờ đây lan khắp Seoul. Mọi người ở đây thực sự quan tâm đến ngoại hình họ thế nào trong mắt người khác và cách họ chưng diện khi bước ra thế giới- ở cả nam lẫn nữ.

Bạn không thể đi bộ vài bước mà không bắt gặp mỹ phẩm hay tiệm chăm sóc da với một nhân viên bán hàng đứng bên ngoài chào mời, cố thu hút bạn bằng cách phát  mặt nạ miễn phí và các công ty chắc chắn đang tận dụng nền văn hóa tự chăm sóc bản thân đó để bán sản phẩm.

Nhưng giờ đây đàn ông đã trở thành chủ thể của cuộc đua làm đẹp đó- hoặc có lẽ do áp lực để thể hiện bản thân mà phụ nữ trước đó đã từng phải chịu trong nhiều thế hệ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang