Luật hàng hải mới của Trung Quốc có thể tạo ra nguy cơ xung đột ở Biển Đông

Thứ Bảy, 04/09/2021 13:24

|

​(CAO) Hôm 4-9, CNN đưa tin chính quyền Trung Quốc muốn các tàu nước ngoài phải thông báo trước cho Bắc Kinh khi đi vào những vùng nước mà nước này xem là “lãnh hải” của mình.

Theo đó, các tàu nước ngoài phải cung cấp thông tin chi tiết - bao gồm tên tàu, biển báo, vị trí hiện tại, cảng ghé tiếp theo và thời gian đến dự kiến.

Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông cũng như các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu Trung Quốc có thực thi luật mới ở các vùng biển tranh chấp hay không? Nếu đúng như vậy, các cường quốc Thái Bình Dương như Nhật Bản và Mỹ... sẽ không tuân thủ.

Kể từ ngày 1-9, năm loại tàu nước ngoài gồm tàu lặn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu rời, hóa chất, khí hóa lỏng hoặc các chất độc hại khác, cũng như các tàu khác mà Bắc Kinh cho rằng có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải sẽ bị yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết cho các cơ quan nhà nước về việc đi vào những vùng mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của họ, theo một thông báo do các cơ quan an toàn hàng hải của Trung Quốc đưa ra tuần trước.

Tuy nhiên, các quy định này thiếu chi tiết cụ thể và các nhà phân tích phương Tây cho rằng chúng gần như đi ngược lại với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), trong đó đảm bảo một quốc gia ven biển sẽ không cản trở quyền qua lại của tàu thuyền nước ngoài nếu chúng không đe dọa đến an ninh của quốc gia.

Robert Ward, thành viên cấp cao về nghiên cứu an ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cho biết: “Đây có vẻ như là một phần trong chiến lược của Trung Quốc về việc giăng lưới pháp lý trên các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền để 'bình thường hóa' những tuyên bố này.

Ward nói: “Việc thực thi sẽ khó khăn, nhưng điều này có thể ít quan trọng hơn đối với Bắc Kinh so với việc tích lũy những gì họ coi là cơ sở pháp lý. Các quy định mới là ví dụ về việc Bắc Kinh cố gắng đưa ra lý do pháp lý cho việc tiếp cận hàng hải của họ trong năm nay, sau một đạo luật khác được đưa ra vào tháng 2 cho phép Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí để bảo vệ chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, một hành động trước đây dành cho các đơn vị của quân đội.

Một tàu tuần duyên Trung Quốc ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông - Ảnh: CNN

Trọng tâm chính của cả hai yêu sách pháp lý mới của Trung Quốc được nhiều chuyên gia cho là để nhắm đến các tranh chấp ở Biển Đông.

Chỉ huy hàng đầu của Lực lượng tuần duyên Mỹ tại Thái Bình Dương, Michael McAllister, hôm 4-9 gọi luật mới này của Trung Quốc là "rất đáng lo ngại" và cho rằng nó "bắt đầu xây dựng cơ sở cho sự bất ổn và xung đột tiềm tàng" ở Biển Đông.

Mỹ đã thể hiện thái độ kiên quyết không tuân thủ các yêu sách của Trung Quốc trong khu vực, thường xuyên thực hiện các hoạt động tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh đối với các đảo tranh chấp. Trong một bài phát biểu tại Singapore vào tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bác bỏ điều mà ông mô tả là tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Nhưng khu vực bất ổn hơn có thể là ở Biển Hoa Đông và vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và đồng thời cũng tuyên bố chủ quyền.

Alessio Patalano, giáo sư chuyên ngành chiến tranh và chiến lược tại trường King's College ở London nhận định: "Thực thi các quyền của quốc gia ven biển là một bước quan trọng trong việc chứng thực chủ quyền thông qua thực tiễn. Nhưng trong những không gian như vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, việc thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc hàng hải này chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ với các cơ quan bảo vệ bờ biển của các bên tranh chấp như Nhật Bản".

Theo Cảnh sát biển Nhật Bản, các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào lãnh hải của Nhật Bản - trong phạm vi 12 hải lý của đất liền Nhật Bản 88 lần trong năm nay. Tại khu vực tiếp giáp vùng biển giữa các đảo nhưng không cách bờ 12 dặm - đã có 851 cuộc xâm nhập của Trung Quốc, Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết.

Nhưng Trung Quốc nói rằng các tàu tuần duyên của họ chỉ tuần tra vùng biển xung quanh các đảo Điếu Ngư của họ. 

Trung Quốc đã gia tăng áp lực pháp lý đối với Senkaku kể từ năm 2013, khi nước này tuyên bố chúng là một phần của Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ), với các yêu cầu tương tự như các quy tắc mới nhất của Cục An toàn Hàng hải. 

Việt Nam lên tiếng trước việc Trung Quốc thi hành luật giao thông hàng hải
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang