(CAO) Hôm 9-12, AAP đưa tin Mỹ đã ban hành lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia, với một trong những lý do là lo ngại ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước này.
Mục đích của lệnh cấm vận là để đảm bảo rằng các mặt hàng liên quan đến quốc phòng không được cung cấp cho quân đội và cơ quan tình báo quân sự của Campuchia mà không có sự xem xét trước của chính phủ Mỹ.
Các hạn chế mới nhất tuân theo lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính vào tháng 11 đối với hai quan chức quân đội cấp cao của Campuchia vì cáo buộc tham nhũng và được đưa ra trong bối cảnh có sự lo ngại ngày càng gia tăng về ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị trong một lần gặp - Ảnh: AP
Campuchia coi các lệnh trừng phạt đó là hành vi "có động cơ chính trị" và cho biết sẽ không thảo luận với Washington.
Mỹ cũng có các biện pháp kiểm soát tương tự đối với xuất khẩu các mặt hàng có thể được chuyển hướng sang "người dùng quân sự cuối cùng" ở Myanmar, Trung Quốc, Nga và Venezuela.
Mỹ đã ngừng hỗ trợ quân sự cho Campuchia sau cuộc đảo chính năm 1997.
Vào tháng 8-2005, Tổng thống Mỹ George W. Bush dỡ lệnh cấm vận vũ khí với lý do Phnom Penh đồng ý miễn cho người Mỹ ở Campuchia khỏi bị Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại Hà Lan truy tố.
Kể từ khi quan hệ quân sự trực tiếp giữa hai nước được khôi phục vào năm 2006, Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự hàng triệu USD cho Campuchia, ban đầu để giúp cải thiện an ninh biên giới và các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác chính trị thân cận nhất của Campuchia.
Việc xây dựng các cơ sở quân sự mới của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia là một việc gây tranh cãi mạnh mẽ với Washington.
Ream quay mặt ra Vịnh Thái Lan, tiếp giáp với Biển Đông, nơi Trung Quốc yêu sách chủ quyền phi pháp đối với các tuyến đường hàng hải chiến lược.