Ngoại trưởng Pháp: Thoả thuận hạt nhân Iran ‘không chết’

Thứ Tư, 09/05/2018 18:14  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 9-5, BBC dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh thoả thuận hạt nhân Iran ‘không chết’ dù Mỹ đã quyết định rút.

Thoả thuận hạt nhân ký năm 2015 nhằm phong toả các hoạt động hạt nhân của chính quyền Tehran, đổi lại Iran được Mỹ, Liên Hiệp Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng thoả thuận này là “tồi tệ”, không đảm bảo được Iran sau này sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông đưa Mỹ rút khỏi và cho biết sẽ áp lại các lệnh trừng phạt lên nước này.

Sau khi Mỹ rút, các bên còn lại tham gia ký kết thoả thuận gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga cùng Đức đều cam kết sẽ tiếp tục thực hiện thoả thuận này.

Ngay sau quyết định của Trump, tại trụ sở quốc hội Iran đã xuất hiện cảnh các nghị sĩ đốt cờ Mỹ.

Trong khi đó Nga nhấn mạnh họ “thất vọng sâu sắc” trước quyết định này. Trung Quốc nhấn mạnh “lấy làm tiếc” khi Mỹ rút khỏi. Trong khi đó hai đồng minh Israel và Ả Rập Saudi lại hoan nghênh hành động của Trump.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ - John Bolton, một nhân vật diều hâu trong chính quyền còn đe doạ các công ty Châu Âu phải chấm dứt hoạt động làm ăn với Iran hoặc sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các nghị sĩ tại quốc hội Iran đốt cờ Mỹ sau khi Trump rút khỏi thoả thuận hạt nhân - Ảnh: EPA

Thất thoát kinh tế của các doanh nghiệp Châu Âu có thể khiến rạn nứt với Mỹ gia tăng. Các đồng minh có thể quay lưng với Washington.

Thoả thuận ký năm 2015 tuy không hoàn hảo, nhưng nó đưa ra các điều khoản giới hạn quy mô làm giàu uranium chế tạo vũ khí hạt nhân trong 15 năm và hoãn việc lắp đặt các máy ly tâm trong vòng 10 năm của Iran. 

Tuy nhiên Trump cho rằng thoả thuận này là vô dụng khi Iran có thể khôi phục hoạt động làm giàu uranium bất kỳ lúc nào nếu thoả thuận sụp đổ. 

Các chuyên gia tính toán Tehran phải mất đến ít nhất 1 năm để nối lại hoạt động làm giàu uranium hay plutonium đủ lượng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Quyết định của Trump đẩy giá dầu thế giới tăng cao khi Iran là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt. Nga là bên được hưởng lợi khi nền kinh tế nước này phụ thuộc vào sự lên, xuống của giá dầu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang