Người Trung Đông vượt Balkan để vào Đức

Thứ Sáu, 18/09/2015 18:07  | Tuyết Trần

|

(CAO) Tình hình người di tản Trung Đông ngày càng trở nên trầm trọng và cấp bách, thay đổi hàng giờ, hàng ngày. Làn sóng người di tản kéo đến như những cơn lốc cả hàng ngàn người cùng lúc, khiến cho các quốc gia bắc Âu không thể trở tay kịp.

Một số ít người di tản Trung Đông sử dụng tuyến phía bắc, từ Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, họ xuyên qua nước Nga để tìm cách vào lãnh thổ của các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch. Hiện tại, nước Na Uy tiếp đón người di tản rất nhân đạo. Chính phủ Na Uy tuyên bố sẽ thu nhận 8.000 người di tản Trung Đông.

Đa số người di tản sự dụng tuyến đường Balkan tức là từ biển Địa Trung Hải ngược lên hướng Bắc, một tuyến đướng khá dài, kéo dài nhiều ngày, tháng, và nguy hiểm, bất trắc.

Sau khi cả Croatia cũng phải đóng cửa tất cả các biên giới giáp ranh với nước Serbia ngày 17-09-2015 thì con đường di tản Balkan của người Trung Đông bị bế tắc. Chỉ mới từ khi Hungary đóng cửa biên giới, trong có hai ngày 16/17-09-2015, đã có hơn 11.000 người di tản ồ ạt di chuyển vào Croatia.

Nước mắt sợ hãi của những cô gái đang trên đường di tản

Chính phủ Zoran Milanovic phải tuyên bố ngưng thu nhận người di tản vì tình hình vượt quá khả năng của họ, dù là họ đã có thiện ý cứu giúp. Họ nghi ngại rằng, trong cuối tuần 18/20-09-2015 sẽ còn có thêm 20.000 người di tản từ hướng nam tràn về biên giới Croatia.

Slovenia cũng ngăn cản không cho người di tản xuyên qua nước này để đến được nước Áo, rồi vào nước Đức.

Nước Hungary đã bịt kín biên giới phía nam của họ với Serbia bằng một hàng rào giây kẽm gai cao 3 mét, trấn đóng bởi cảnh sát, quân đội trang bị vũ khí chống khủng bố. Hiện tại Hungary đang dự kiến sẽ bịt kín biên giới giữa Hungary và Croatia. Dù Hungary áp dụng những biện pháp gắt gao, thiếu nhân bản đối với người di tản, nhưng người di tản vì thiếu thông tin kịp thời, chính xác, và cũng vì túng quẫn đói và khát, nên họ cố gắng vượt biên giới để vào Hungary.

Dây kẽm gai đã được chăng dọc biên giới Hungary và Áo

Không thể để tình trạng di tản này kéo dài đến cuối năm 2015, nhưng bằng cách nào ngăn chặn được làn sóng di tản, và bằng cách nào phân phối tổng số người di tản đi tạm trú/định cư ở nhiều quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu đang trở thành một bài toán hóc búa mà rất khẩn cấp ?

Chủ tịch hội đồng cố vấn khối Liên minh châu Âu Donald Tusk triệu tập một phiên họp không chính thức các nhà lãnh đạo các nước châu Âu vào thứ tư tuần tới, ngày 23-09-2015, để tìm những giải pháp cho vấn đề di tản.

Ba trọng tâm chính là: Làm thế nào để ổn định những quốc gia có người đi di tản? Làm thế nào có nguồn tài chánh để tổ chức những trại tập trung người di tản tại Thổ Nhĩ Kỳ, Libanon và Jordanie ? Và trọng tâm thứ ba là thảo luận về ý kiến của Chủ tịch cơ quan quản lý khối Liên minh châu Âu Jean-Claude Juncker đòi hỏi phải phân phối người di tản theo một tỷ lệ cố định đã được bàn thảo và chấp thuận.

Các nước Đông Âu trong khối Liên minh châu Âu không chấp nhận một tỷ lệ áp đặt, mà họ đòi hỏi phải là một sự tự nguyện tự do theo quyết định của các chính phủ Đông Âu.

Trước đó, dự kiến ngày 22-09-2015 sẽ có một phiên họp các Bộ trưởng bộ Nội vụ để bàn về các giải pháp thực tế để giải quyết vấn đề.

Sau buổi họp ở cấp Đại sứ của 6 quốc gia lớn nhất khối Liên minh châu Âu tại Bruxelles vào ngày 16-09-2015 vừa qua, Ba Lan ngỏ ý sẽ thu nhận 9.200 người di tản theo phương cách tình nguyện, không muốn bị áp đặt một tỷ lệ.

Tình trạng hiện nay là các nước Hy Lạp, Serbia, Croatia, Áo và Đức đang bị động vì làn sóng người di tản đến ồ ạt ngoài khả năng dự kiến, dù các quốc gia này muốn giúp đỡ.

Cái khó lớn hơn nữa là hầu hết những người di tản đều muốn ở lại sinh sống định cư tại Đức. Vì có thông tin về điều khoản luật Dublin về vấn đề di tản, nên người di tản Trung Đông không muốn bị ghi nhận bởi một quốc gia khác, ngoài nước Đức. Tình hình căng thẳng đang diễn ra ở Croatia vì người di tản muốn đi ngay, đi nhanh đến Đức, mà các quốc gia như Croatia, Slovenia, Áo và Đức không thể chỉ hoàn toàn "chiều" theo ý muốn của họ được.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Áo Werner Faymann bàn thảo song phương.

Nhưng có lẽ họ chưa hiểu, hay không muốn hiểu, là một số người sẽ được phân phối đi định cư ở những nước khác, sự lựa chọn không chỉ tùy thuộc vào ý muốn của người di tản.

Trong khi đó tại Đức, nữ thủ tướng Angela Merkel tuyên bố trước mọi chỉ trích về quyết định mở cửa cho người di tản Trung Đông của bà: "Tôi phải rất thành thật nói rằng: nếu bây giờ chúng tôi bắt đầu phải bắt buộc xin lỗi cho sự việc là chúng tôi đã có một gương mặt thân thiện trong một hoàn cảnh khốn cùng cấp bách, thì đây không phải là quê hương đất nước của tôi."

Nhưng làn sóng có vẻ như không ngớt ngưng của người di tản Trung Đông sẽ còn là một vấn nạn lâu dài, gây nhiều lo ngại, cho các nước khối Liên minh châu Âu.

Những hình ảnh sau đây đã được đưa lên đài truyền hình ARD Tageschau của Đức ngày 17-09-2015 để giải thích con đường di tản Balkan của người tị nạn Trung Đông:

Bình luận (0)

Lên đầu trang