(CAO) Hôm 11-3, AFP đưa tin tròn 10 năm sau thảm hoạ động đất, sóng thần gây ra sự cố hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima, cả nước Nhật đã dành phút mặc niệm tưởng niệm những người đã khuất.
Những con sóng khổng lồ gây ra bởi trận động đất mạnh 9.0 độ richter - một trong những trận động đất mạnh nhất được ghi nhận - đã ập vào bờ biển phía đông bắc Nhật Bản vào ngày 11-3-2011 làm tê liệt nhà máy điện Fukushima Dai-ichi, khiến hơn 160.000 cư dân phải di tản khi phóng xạ rò rỉ từ lõi nhiên liệu hạt nhân bị nóng chảy.
Thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sự cố Chernobyl đã khiến những người sống sót phải vật lộn để vượt qua nỗi đau mất gia đình khi làng mạc, nhà cửa chìm trong biển nước.
Cách nhà máy khoảng 50 km về phía nam, ở thành phố biển Iwaki, nơi đã trở thành trung tâm của những người lao động làm việc trong quá trình ngừng hoạt động của nhà máy điện hạt nhân, chủ nhà hàng Atsushi Niizuma đã cầu nguyện cho mẹ của mình đã bị sóng thần giết chết.
Niizuma, 47 tuổi chia sẻ: "Tôi muốn nói với mẹ rằng các con của tôi, tất cả những người gần gũi với bà đều đang sống tốt”.
Trước khi lên đường làm việc, anh lặng lẽ bày tỏ lòng thành kính trước một bia đá ở một ngôi đền bên bờ biển có chạm khắc tên của mẹ anh, Mitsuko và 65 người khác đã chết trong thảm họa.
Những cơn sóng thần ập vào bờ trong thảm hoạ ngày 11-3 - Ảnh: AFP
Vào ngày xảy ra trận động đất, Mitsuko đang chăm sóc các con của mình. Những đứa trẻ lao vào một chiếc ô tô nhưng Mitsuko đã bị sóng cuốn trôi khi bà quay trở lại nhà để lấy đồ đạc của mình. Niizuma cho biết phải mất một tháng để tìm thấy thi thể mẹ mình.
Đền thờ Akiba đã trở thành biểu tượng của sự kiên cường đối với những người sống sót, vì nó hầu như không bị hư hại bởi sóng thần trong khi những ngôi nhà gần đó bị cuốn trôi.
Khoảng hai chục cư dân đã tập trung với Niizuma để trang trí ngôi đền bằng những con hạc giấy, hoa và khăn tay màu vàng với những thông điệp về hy vọng được gửi đến từ các sinh viên trên khắp đất nước.
Nhật hoàng Naruhito và Thủ tướng Yoshihide Suga dự kiến sẽ vinh danh những người đã khuất trong một buổi lễ tưởng niệm ở Tokyo trong khi một số sự kiện khác được lên kế hoạch trên khắp vùng đông bắc Nhật Bản, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất để tưởng niệm các nạn nhân.
Một binh sĩ di tản người dân khỏi hiện trường thảm hoạ - Ảnh: AFP
Chính phủ Nhật đã chi khoảng 390 tỷ USD để tái thiết khu vực, nhưng các khu vực xung quanh nhà máy Fukushima vẫn nằm ngoài giới hạn do lo lắng về mức độ phóng xạ vẫn còn và nhiều người đã rời đi định cư ở nơi khác. Việc ngừng hoạt động của nhà máy làm thiệt hại hàng tỷ USD.
Khoảng 40.000 người vẫn còn đang phải di tản vì thảm họa cho đến nay.
Những khung cảnh tan hoang sau thảm hoạ ngày 11-3-2011. Ảnh: AFP