Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị suy yếu bởi cuộc thanh trừng hậu đảo chính

Thứ Ba, 19/07/2016 08:22  | Đồng Thần

|

(CAO) Sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch thanh trừng quy mô lớn khiến cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lo ngại. Đặc biệt là với phát biểu của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hứa sẽ loại bỏ "tận gốc" những người có liên quan.

Nước cờ cam go

Trong cuộc họp báo chung với Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cần giữ vững các tiêu chuẩn cao nhất trong việc tôn trọng các thể chế dân chủ và pháp trị của đất nước.

Bà Mogherini cũng cảnh báo rằng những nước thực thi án tử hình sẽ không được phép gia nhập EU, trong khi ông Kerry khẳng định "NATO cũng có yêu cầu tương tự về dân chủ", theo Washington Post.

Mỹ không tránh khỏi lo ngại tình hình bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ, bởi việc "chung đụng" nhiều thứ, điển hình là sân bay Incirlik - Ảnh: AFP

"Mỹ ủng hộ việc đưa những kẻ đảo chính ra trước công lý, nhưng chúng tôi cũng cảnh báo hành động vượt quá giới hạn", ông Kerry nói.

Tuy nhiên, trái với tâm trạng có phần "hồ hởi" của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức phân tích tình báo phi chính phủ Stratfor nhận xét, cuộc thanh trừng sẽ làm giảm đáng kể năng lực của quân đội, thậm chí là gây chia rẽ sâu sắc nếu làm không chính xác.

Việc bắt giữ và bỏ tù hàng chục tướng lĩnh, hàng trăm sĩ quan chỉ huy và hàng ngàn binh lính sẽ dẫn tới việc không có gì bù đắp được sự thiếu hụt ở nhiều vị trí. Đó là chưa kể các mối liên hệ nằm sâu bên trong giữa các thế lực ngầm bên trong quân đội.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ quan điểm lo ngại của Mỹ lẫn EU về việc thanh trừng ở Thổ Nhĩ Kỳ

Dễ ví dụ nhất là rong số khoảng 6.000 sĩ quan, binh sĩ bị bắt có các chỉ huy đương nhiệm cấp cao như tư lệnh quân đoàn 2 Adem Huduti và tư lệnh quân đoàn 3 Erdal Ozturk, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Incirlik - Bekir Ercan Van,...

Chưa kể trong một diễn biến khác, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ công tác hơn 8.000 cảnh sát vì bị nghi ngờ có dính líu đến cuộc đảo chính.

Giặc trong thù ngoài

Stratfor đánh giá cuộc thanh trừng đến vào thời điểm không thể xấu hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, khi quân đội nước này đang tập trung chiến đấu với Đảng Công nhân người Kurk (PKK) đòi ly khai, trong khi cũng phải đề phòng những diễn biến từ "chiến trường" Iraq và Syria.

Sự rối ren trong nước mà điển hình là từ lực lượng quân đội ở Thổ Nhĩ Kỳ gây ảnh hưởng không nhỏ đến một số nước, điển hình là Mỹ. Bởi chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) của Mỹ chủ yếu dựa vào căn cứ không quân tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ cũng giúp Washington kiểm soát được nhiều tuyến đường hậu cần cho các nhóm cực đoan.

Một sỹ quan bị áp giải đi sau cuộc đảo chính thất bại

Dù quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ vốn được coi là một trong những lực lượng mạnh nhất trong khu vực. Nhưng những bất ổn liên tục, sự chia rẽ, khả năng quản lý kém,... khiến quân đội không phát huy được nhiều khả năng thực sự.

Rõ ràng, để bình ổn tình hình hiện tại sẽ khiến Ankara tốn không ít thời gian. Trong khi tình hình trong khu vực cũng đang rơi vào vòng bất ổn, đây quả là bài toán khó cho Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng và những nước đồng minh của quốc gia này nói chung.

Bình luận (0)

Lên đầu trang