(CAO) Iran đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay nhắm vào lãnh thổ Israel khi bắn 180 tên lửa đạn đạo vào cuối ngày 1/10, hầu hết trong số đó dường như đã bị chặn bởi các hệ thống phòng thủ chống tên lửa do Israel, Mỹ và Jordan vận hành.
Năng lực tên lửa của Iran
Cuộc tấn công trên không lần này nghiêm trọng hơn nhiều so với một cuộc tấn công tương tự vào tháng 4, làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông. Các chuyên gia nhận định năng lực tên lửa đạn đạo của Iran ngày càng cải thiện.
Theo báo cáo năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Iran có hàng nghìn tên lửa đạn đạo và hành trình với nhiều tầm bắn khác nhau.
Con số chính xác cho từng loại tên lửa vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, tướng không quân Mỹ - Kenneth McKenzie đã nói với quốc hội Mỹ vào năm 2023 rằng Iran có “hơn 3.000” tên lửa đạn đạo (theo một báo cáo trong năm nay từ trang web Iran Watch tại Dự án kiểm soát vũ khí hạt nhân Wisconsin thống kê).
Quỹ đạo của tên lửa đạn đạo đưa chúng ra ngoài hoặc gần giới hạn của bầu khí quyển Trái đất, trước khi trọng tải đầu đạn tách khỏi tên lửa đã đưa nó lên cao trước đó lao trở lại bầu khí quyển và rơi trúng mục tiêu được nhắm bắn.
Các chuyên gia vũ khí đã phân tích các video được xác minh trên mạng xã hội từ hiện trường nói với CNN rằng Iran đã sử dụng các biến thể của tên lửa đạn đạo Shahab-3 trong cuộc tấn công mới nhất nhắm vào Israel.
Theo Patrick Senft - điều phối viên nghiên cứu tại Dịch vụ nghiên cứu vũ khí (ARES), Shahab-3 là nền tảng cho tất cả các tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran sử dụng nhiên liệu lỏng.
Tên lửa Shahab-3 của Iran - Ảnh: Getty
Shahab-3 được đưa vào sử dụng năm 2003, có thể mang đầu đạn nặng từ 760 đến 1.200 kg và có thể được bắn từ các bệ phóng di động cũng như hầm chứa.
Dự án Iran Watch cho thấy các biến thể mới nhất của tên lửa Shahab-3 là Ghadr và Emad, có độ chính xác lên tới gần 300 mét trong bán kính từ mục tiêu dự định của chúng.
Truyền thông Iran đưa tin Tehran đã sử dụng tên lửa mới Fattah-1 trong các cuộc tấn công. Tehran mô tả Fattah-1 là một tên lửa "siêu thanh" - nghĩa là nó di chuyển với tốc độ Mach 5, gấp 5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 6.100 km/h).
Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng hầu hết tất cả các tên lửa đạn đạo đều đạt tốc độ siêu thanh khi di chuyển, đặc biệt là khi chúng lao tới mục tiêu.
Thuật ngữ “siêu thanh” thường được dùng để chỉ những thứ được gọi là phương tiện lướt siêu thanh và tên lửa hành trình siêu thanh, những loại vũ khí tiên tiến có thể cơ động với tốc độ bay siêu thanh trong bầu khí quyển Trái đất. Điều đó làm cho những vũ khí như vậy cực kỳ khó bị bắn hạ.
Fabtah-1 không nằm trong số đó, theo Fabian Hinz - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, người đã viết về chủ đề này vào năm ngoái.
Hinz nói, Fattah-1 dường như có đầu đạn đặt trên một "phương tiện quay trở lại cơ động", cho phép nó thực hiện các điều chỉnh để tránh hệ thống phòng thủ tên lửa trong một khoảng thời gian ngắn khi lao tới mục tiêu. Tuy nhiên, khả năng này sẽ là một cải tiến so với các tên lửa trước đó của Iran.
Trong khi đó, các nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về việc Iran sử dụng tên lửa mới lần đầu tiên trong cuộc tấn công vào tối 1/10.
Trevor Ball - cựu kỹ thuật viên cấp cao về bom của quân đội Hoa Kỳ nhận định: “Đây là một trong những tên lửa đạn đạo mới nhất của họ và họ sẽ thiệt hại rất nhiều khi sử dụng nó.
Israel sẽ biết được khả năng phòng thủ của mình chỉ sau khi loại tên lửa này được sử dụng. Cũng có khả năng loại tên lửa này có thể không hoạt động”.