(CAO) Nhật Bản vừa công bố kế hoạch thành lập một trung tâm nghiên cứu mới tập trung vào phát triển thiết bị quân sự tiên tiến nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh thiếu nhân lực và căng thẳng trong khu vực gia tăng.
Bộ Quốc phòng nước này đã giao nhiệm vụ cho trung tâm nghiên cứu tạo ra các loại vũ khí có khả năng “thay đổi cuộc chơi”, chẳng hạn như tên lửa siêu thanh và máy bay không người lái được trang bị trí tuệ nhân tạo có khả năng điều hướng trong điều kiện mất điện, nhằm thay đổi sức mạnh quân sự của đất nước. Các hệ thống sử dụng sóng điện từ để phát hiện tàu ngầm cũng sẽ được trung tâm này phát triển.
Tờ South China Morning Post đưa tin trung tâm này dự kiến sẽ khai trương vào tháng 10, hoạt động dưới sự bảo trợ của Cơ quan mua lại, công nghệ và hậu cần của Bộ. Nó được thành lập vào thời điểm bất ổn địa chính trị gia tăng, khi Tokyo ngày càng cảnh giác trước các mối đe dọa an ninh gia tăng do các nước láng giềng.
Điều đáng lo ngại không kém đối với Nhật Bản là những câu hỏi xung quanh độ tin cậy trong cam kết hỗ trợ các đồng minh của Mỹ.
Kazuto Suzuki - Giáo sư chính sách khoa học và công nghệ tại Đại học Tokyo cho biết: “Nhật Bản phải làm nhiều hơn nữa cho chính mình”, đồng thời nhận định: “Chúng tôi biết rằng Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi, nhưng cũng tương tự như vậy, nếu chúng tôi không hành động đủ để tự bảo vệ mình thì chính quyền Mỹ trong tương lai có thể không giúp đỡ chúng tôi. Đã có sự thay đổi trong nhận thức của chúng tôi rằng chúng tôi không thể phụ thuộc vào Mỹ mãi mãi”.
Nhật mở trung tâm phát triển vũ khí tối tân đón đầu căng thẳng trong khu vực - Ảnh: Reuters
Suzuki cho biết, trong khi Nhật Bản có ý định duy trì liên minh an ninh với Mỹ và đang tích cực tìm cách xây dựng các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác, thì khả năng ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11 đã thu hút sự chú ý ở Tokyo.
Cộng thêm những lo ngại này là những lo lắng về chi tiêu quân sự của Mỹ, chẳng hạn như cuộc tranh luận gần đây về quyết định của Không quân Mỹ rút lui khỏi việc chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đầu tiên trên thế giới theo chương trình Thống lĩnh trên không thế hệ tiếp theo (NGAD).
Được thiết kế để kết hợp tốc độ cao, tầm hoạt động lớn hơn và công nghệ tàng hình tránh radar, máy bay chiến đấu NGAD ước tính có giá vài trăm triệu USD mỗi chiếc - một con số được cho là quá cao đối với Lực lượng không quân Nhật vốn đang phải đối mặt với áp lực ngân sách đối với việc chi tiêu mua máy bay ném bom tàng hình F-35 bổ sung, máy bay chiến đấu và tên lửa đạn đạo hạt nhân thế hệ tiếp theo.
Trung tâm nghiên cứu mới của Nhật Bản dự kiến sẽ hợp tác với các cơ sở tương tự ở các quốc gia đồng minh, bao gồm cả Mỹ, trong nỗ lực giúp giảm bớt gánh nặng tài chính trong việc phát triển các hệ thống quân sự tiên tiến.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, một lĩnh vực được quan tâm đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong một loạt ứng dụng quân sự, bao gồm phát hiện và nhận dạng mục tiêu, thu thập và phân tích thông tin, chỉ huy và kiểm soát, hỗ trợ hậu cần, hoạt động bằng máy bay không người lái và an ninh mạng.
Tuy nhiên, Nhật Bản cam kết không phát triển vũ khí sát thương tự động hoàn toàn hay còn gọi là “robot sát thủ”. Chuyên gia Suzuki cho hay: “Chúng ta cần chuyển sang công nghệ vì Nhật Bản đang thiếu nhân lực”.
“Chúng ta đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn trong việc tuyển dụng đủ nhân sự cho quân đội và điều đó có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai, vì vậy chúng ta cần thay đổi cách hiểu về cách vận hành quân đội và trang thiết bị, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải” – ông nhấn mạnh.