Hàng chục tàu chiến Nga tập trận ngoài khơi Nhật Bản, “dằn mặt” Mỹ - Nhật

Thứ Tư, 16/02/2022 21:25  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 16-2, tờ South China Morning Post đưa tin một đội tàu chiến Nga đang tập trận ở vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, gửi đi lời cảnh báo cho Tokyo về việc đứng về phía Mỹ trong các vấn đề quốc tế giữa lúc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra.

Các nhà phân tích cho biết, việc triển khai một hạm đội lớn tàu chiến của Nga ở vùng biển ngoài khơi Nhật Bản nhằm cảnh báo Tokyo không đứng về phía Mỹ trong vấn đề Ukraine, các nhà phân tích nhận định.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 15-2 xác nhận rằng một đội gồm 24 chiếc tàu chiến Nga đã tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Nhật Bản và Biển Okhotsk, ngoài khơi phía bắc của đảo Hokkaido – Nhật Bản kể từ ngày 1-2. Các tàu này bao gồm tàu ​​ngầm, tàu khu trục và khinh hạm.

"Động thái này diễn ra song song với các hoạt động gần đây của lực lượng Nga ở các khu vực gần Ukraine" - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - Nobuo Kishi cho biết trong một cuộc họp báo hôm 15-2, điều đó cho thấy Moscow muốn chứng tỏ họ có khả năng thực hiện các hoạt động quân sự ở cả miền đông và miền tây của đất nước cùng một lúc.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc tập trận của Hạm đội Thái Bình Dương nhằm đảm bảo an toàn cho giao thông hàng hải và bảo vệ các hoạt động kinh tế ngoài khơi phía đông của Nga.

Các cuộc diễn tập bao gồm diễn tập tác chiến chống tàu ngầm.

Tuần trước, Nga tuyên bố rằng một trong những khinh hạm của họ, Marshal Shaposhnikov, đã phát hiện một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ đã xâm phạm lãnh hải của Nga gần quần đảo Kuril.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các tàu chiến của họ đã thách thức tàu ngầm Mỹ và ra lệnh cho nó nổi lên.

Tùy viên quân sự Mỹ tại Đại sứ quán ở Moscow đã được triệu tập về vấn đề này và được thông báo rằng tàu Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế và tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia.

Lầu Năm Góc cho biết "không có sự thật" trong các tuyên bố của Nga và khẳng định các tàu ngầm của họ không thực hiện các hoạt động trong vùng biển của Nga.

Toshimitsu Shigemura - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda, Tokyo, cho biết các hoạt động của hạm đội Nga là nhằm cảnh báo Tokyo.

Nga điều tàu chiến tập trận ở khu vực phía đông đất nước - Ảnh: AP

Ông nói: “Đây rõ ràng là Moscow nói với Nhật Bản rằng họ không nên tham gia cùng Mỹ và các nước châu Âu trong các chính sách của họ về Ukraine và nước này cũng nên chống lại áp lực áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga”.

Ông nói thêm: "Thông điệp rõ ràng là vấn đề tranh chấp Lãnh thổ phía Bắc phụ thuộc rất nhiều vào những gì Nhật Bản làm".

Nhật Bản đã tuyên bố chủ quyền đối với những gì nước này gọi là Lãnh thổ phía Bắc kể từ khi những thực thể này bị quân Liên Xô chiếm giữ trong giai đoạn kết thúc của Thế chiến thứ hai. Nga gọi vùng lãnh thổ này là Nam Kuril và trước đây đã chỉ ra rằng họ sẵn sàng thảo luận về việc trả lại một số hòn đảo cho Nhật Bản kiểm soát hoặc phát triển kinh tế chung trong khu vực.

Quan điểm đó đã thay đổi dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, người đã thông qua luật mới quy định việc nhượng lãnh thổ cho quốc gia khác là bất hợp pháp, có nghĩa là trong khi Nhật Bản vẫn nuôi tham vọng giành lại quyền kiểm soát khu vực, kết quả đó ngày càng khó xảy ra.

“Cũng có một sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Tokyo và Moscow kể từ khi Fumio Kishida trở thành thủ tướng vào năm ngoái” - Shigemura nói và chỉ ra rằng trong khi cựu thủ tướng Shinzo Abe có mối quan hệ công việc tương đối thân thiết với Putin, điều đó không còn dưới thời lãnh đạo mới.

Ông nói: “Kishida phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ trong chính sách đối ngoại của mình và ít có khả năng như người tiền nhiệm về việc sẽ làm việc với Putin về vấn đề tranh chấp. Điều đó khiến người Nga cảnh giác hơn với Nhật Bản”.

Điều đó đã được củng cố trong những ngày gần đây, với việc Kishida gọi điện cho Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky vào ngày 15-2 để bày tỏ sự ủng hộ đối với “sự toàn vẹn của chủ quyền và lãnh thổ” của Ukraine và kêu gọi một giải pháp ngoại giao.

Tokyo cũng đang có kế hoạch cho Kyiv vay khẩn cấp 100 triệu USD.

Ông Shigemura cho biết Moscow sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc họp của các ngoại trưởng thuộc nhóm Bộ tứ vào ngày 11-2, trong bối cảnh các quan chức từ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia bày tỏ lo ngại trước những thách thức gần đây đối với trật tự quốc tế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và nhắc lại cam kết của họ đối với việc giữ cho khu vực "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở".

Bình luận (0)

Lên đầu trang