(CAO) Hôm 29-11, AFP đưa tin một nhóm tàu tác chiến do một chiếc tàu sân bay của Mỹ dẫn đầu đã quay trở lại khu vực Vùng Vịnh.
Động thái trên diễn ra sau khi một nhà khoa học hạt nhân hàng đầu ở Iran bị ám sát vào hôm 27-11. Tuy nhiên hải quân Mỹ bác bỏ sự liên quan giữa hai vụ việc này.
Căng thẳng ở khu vực Trung Đông hiện đang tăng cao sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh. Iran đã cáo buộc đồng minh thân cận của Mỹ là Israel đứng sau vụ việc.
Tuy nhiên, Rebecca Rebarich - phát ngôn viên của Hạm đội 5 Mỹ nói với AFP rằng sự trở lại của nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Nimitz dẫn đầu không liên quan đến bất kỳ "mối đe dọa cụ thể nào".
Tàu sân bay USS Nimitz trở lại Vùng Vịnh - Ảnh: AFP
"Không có mối đe dọa cụ thể nào kích hoạt sự trở lại của nhóm tấn công tàu sân bay Nimitz" - bà nói trong một tuyên bố.
"Sự trở lại của tàu Nimitz ở Vùng Vịnh tập trung vào việc duy trì khả năng của bộ chỉ huy trung tâm trong việc duy trì trạng thái (sẵn sàng chiến đấu) để giúp duy trì sự ổn định và an ninh trong khu vực".
Lầu Năm Góc trước đó cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ hỗ trợ chiến đấu và yểm trợ trên không khi quân đội nước này rút hàng nghìn binh sĩ khỏi Iraq và Afghanistan vào giữa tháng 1, theo lệnh của tổng thống Donald Trump.
Khoảng 2.000 quân sẽ được rút khỏi Afghanistan và 500 quân từ Iraq, chỉ để lại khoảng 2.500 quân ở mỗi nước.
Hải đội do tàu Nimitz dẫn đầu - một trong những tàu chiến lớn nhất thế giới - gần đây đã cùng Australia, Ấn Độ và Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận theo lịch trình ở biển Ả Rập.
Các nhóm tàu sân bay thường bao gồm một tàu tuần dương, một phi đội tàu khu trục và một cánh quân đi kèm.
Các tàu sân bay lớp Nimitz dài hơn 300 mét, có thủy thủ đoàn hơn 6.000 người, có thể mang theo 90 trực thăng và máy bay.
(CAO) Hôm 28-11, Reuters dẫn lời tổng thống Iran - Hassan Rouhani cáo buộc chính quyền Isarel đứng sau vụ giết hại nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của nước này - Mohsen Fakhrizadeh.