Ấn Độ gia hạn lệnh phong toả đến ngày 3-5: Bài kiểm tra sức dân

Thứ Ba, 14/04/2020 17:47  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 14-4, CNN đưa tin thủ tướng Ấn Độ Modi quyết định gia hạn lệnh phong toả toàn quốc đến ngày 3-5 để ngăn đà lan của dịch coronavirus chủng mới. Tuy nhiên ông cũng cho biết một số bang tránh dịch nhưng có thể cho phép nối lại “những hoạt động quan trọng”.

Phát biểu chỉ đạo trên truyền hình, ông Modi nhấn mạnh: “Yêu cầu của tôi là coronavirus sẽ không được phép lan truyền đến các khu vực mới bằng bất cứ giá nào. Chúng ta phải hết sức cẩn thận đối với các điểm nóng đồng thời phải theo dõi chặt chẽ những nơi dự kiến ​​sẽ trở thành điểm nóng của dịch bệnh".

Trước đó lệnh phong toả đối với 1,3 tỷ dân trong vòng 3 tuần đã được gia hạn đến ngày 14-4 nhưng vì tình hình dịch phức tạp khiến chính quyền phải gia hạn thêm, mặc dù động thái này có thể ảnh hưởng đến nhiều người phải ra đường mưu sinh mới có thực phẩm lót dạ. Vì thế việc gia hạn lệnh phong toả được xem là bài kiểm tra sức chịu đựng của dân chúng.

Người dân Ấn Độ đứng xếp hàng cách nhau để phòng dịch - Ảnh: PA

Đến nay Ấn Độ đã ghi nhận 10.363 ca nhiễm Covid-19 với 339 trường hợp tử vong. Ông Modi nhấn mạnh dù Ấn Độ “hạn chế về nguồn lực” nhưng trước tình hình này “hạ tầng y tế phải được ưu tiên hàng đầu”.

Modi cho biết vào tháng 1 cả nước chỉ có 1 phòng thí nghiệm tiến hành xét nghiệm Covid-19 nhưng đến nay việc xét nghiệm virus đã được tiến hành ở hơn 220 phòng thí nghiệm trên toàn quốc.

Bày tỏ sự cảm thông đối với những khó khăn mà người dân phải chịu nhưng ông Modi nhấn mạnh đất nước không thể chờ cho vấn đề leo thang mới ứng phó mà phải hành động chủ động để dập dịch ngay từ đầu.

Hàng triệu người nghèo chật vật trong dịch bệnh 

Trong bài viết nhan đề “Tôi sợ cái đói có thể giết chúng tôi trước khi coronavirus làm điều đó” của đài BBC (Anh) đăng tải ngày 25-3 đã đề cập đến tình trạng này ở tầng lớp những người nghèo nhất ở Ấn Độ. Quốc gia Nam Á đông dân thứ 2 Thế giới này đang bước vào 3 tuần phong toả toàn quốc để chống dịch Covid-19. Chính quyền Ấn Độ yêu cầu người dân ở trong nhà. Nhưng với những người nghèo, lao động chân tay để có thu nhập tối thiểu sinh tồn, họ không có nhiều lựa chọn vì ở nhà đồng nghĩa với cái đói. Từ đó nhiều người tìm cách đối phó với các mệnh lệnh của chính quyền.

Làng lao động Chowk ở thị trấn Noida, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ là một ví dụ điển hình. Nơi đây hằng ngày là điểm tập trung của hàng trăm nam giới từ tứ phương đến tìm việc trong ngành xây dựng. Hằng ngày những nhà xây dựng đến đây thuê nhân công, trả lương theo ngày. Ồn ào, sôi động là thế nhưng khi phóng viên BBC đến đây trong thời gian phong toả, không khí yên ắng lạ thường, có thể nghe được tiếng chim hót. Một nhóm đàn ông được phát hiện rút vào một góc nhỏ để tránh sự phát hiện và cưỡng chế của chính quyền.

Ramesh Kumar, đến từ quận Banda thuộc bang Uttar Pradesh nói với BBC rằng“tôi biết sẽ không có ai thuê chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn đến đây để tìm cơ hội”. Kumar chia sẻ: “Tôi kiếm được 600 rupee (khoảng 180.000 đồng) mỗi ngày nhưng phải nuôi đến 5 người. Chúng tôi sẽ hết thức ăn trong vài ngày. Tôi biết về nguy cơ nhiễm coronavirus, nhưng tôi không thể ngồi yên nhìn con mình đói”.

Tại Ấn Độ, hàng triệu người có thu nhập như Kumar đang rơi vào tình trạng tương tự. Lệnh phong toả của chính quyền khiến họ lâm vào đường cùng không có thu nhập trong 3 tuần, một số gia đình sẽ hết thức ăn trong vài ngày tới.

Ali Hasan không có tiền mua thực phẩm sau khi cửa hàng của ông bị đóng vì phong toả ngăn dịch ở Ấn Độ - Ảnh: BBC​

BBC đưa tin Ấn Độ đã báo cáo hơn 500 trường hợp đói ăn và ít nhất 10 người đã chết chỉ trong vài ngày áp lệnh phong toả. Chính quyền ở một số bao gồm Uttar Pradesh ở phía bắc, Kerala ở phía nam và thủ đô New Delhi đã hứa sẽ chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của những lao động như Kumar. Chính quyền liên bang của Thủ tướng Modi cũng hứa sẽ giúp đỡ những người có thu nhập hằng ngày bị ảnh hưởng bởi lệnh phong toả. Nhưng thực tế vẫn tồn đọng những thách thức về chính sách an sinh.

Ít nhất 90% lực lượng lao động của Ấn Độ được tuyển dụng trong các khu vực phi chính thức, theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Họ làm những công việc chân tay như nhân viên bảo vệ, lao công, kéo xe, bán hàng rong, thu gom rác…Hầu hết không được hưởng những chế độ như lương hưu, nghỉ ốm, nghỉ có lương hoặc tham gia bất kỳ loại bảo hiểm nào. Nhiều người không có tài khoản ngân hàng, dựa vào giao dịch tiền mặt là chủ yếu để đáp ứng nhu cầu hàng ngày.

Cảnh sát Ấn Độ lập chốt trên đường chống dịch trong thời gian phong toả - Ảnh: RTE

Rất nhiều người là lao động nhập cư, điều đó có nghĩa là họ di chuyển liên tục giữa các bang ở Ấn Độ để làm việc. Kế đến là vấn đề dân số trôi nổi: Có những người lao động không sống cố định ở bất kỳ một bang nào trong một thời gian dài khi phải di chuyển khắp nước để kiếm việc làm.

Akhilesh Yadav – cựu quan chức của bang Uttar Pradesh thừa nhận với BBC rằng những thách thức này hiện nay rất lớn, vì thế cứu đói người qua trận dịch phải là ưu tiên cấp thiết hàng đầu. Yadav nhấn mạnh: “Chính quyền các cấp cần phải hành động nhanh như chớp vì tình hình đang thay đổi mỗi ngày. Chúng ta cần kích hoạt các bếp ăn cộng đồng lớn và giao thức ăn cho những người cần nó bên cạnh việc phải trao tiền mặt hoặc gạo và lúa mì cho bất kể ai (lao động nghèo) bất kể đến từ bang nào”.

Ấn Độ phong toả toàn quốc trong 3 tuần chống dịch Covid-19
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang