(CAO) Hôm 4-9, Reuters đưa tin thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố bà sẽ chấm dứt các phiên đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) nếu đắc cử trong đợt bầu cử lần này.
Phát ngôn của bà Merkel được đưa ra trong phiên tranh luận trên truyền hình diễn ra vào ngày 3-9, trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở Đức.
Tranh luận với đối thủ là ông Martin Schulz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD), bà Merkel nhấn mạnh: “Sự thật rất rõ ràng với Thổ Nhĩ Kỳ là họ sẽ không trở thành một thành viên của EU. Tôi sẽ nói chuyện với các đồng nghiệp EU của mình để đạt được sự đồng thuận nhằm chấm dứt các cuộc đàm phán (để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU)”.
Phát biểu của bà Merkel là động thái mới nhất khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa bà và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kể từ sau cuộc đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái.
Hiện chính quyền Ankara chưa đưa ra phản ứng trước tuyên bố này của bà Merkel.
Bà Merkel và ông Schulz trong phiên tranh luận trên truyền hình hôm 3-9 - Ảnh: Getty Images
Ngay cả đối thủ của bà Merkel trong phiên tranh luận là ông Schulz cũng tuyên bố: “Nếu tôi trở thành thủ tướng Đức, tôi sẽ đề xuất Hội đồng Châu Âu rằng chúng ta cần chấm dứt các cuộc đàm phán kết nạp thành viên đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi sẽ chiến đấu vì điều này”.
Hiện nay 12 công dân Đức đang bị bắt giam tại Thổ Nhĩ Kỳ với các cáo buộc chính trị. 4 trong số đó giữ song tịch Đức –Thổ.
Hục hặc giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ khiến Châu Âu lâm thế khó Hai tuần qua, câu chuyện hục hặc giữa lãnh đạo Đức và Thổ Nhĩ Kỳ với màn đốp chát qua lại giữa hai bên đang đẩy Châu Âu vào nguy cơ khủng hoảng trong hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ kiểm soát dòng người di cư đến chống hoạt động khủng bố. Hôm 20-8, AFP dẫn lời tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi thẳng thừng những người Đức gốc Thổ đợt này không bỏ phiếu cho đảng Liên minh Thiên Chúa giáo (CDU) cùng đảng liên minh Dân chủ Xã hội (SPD) cũng như đảng Xanh trong đợt bầu cử diễn ra vào ngày 24-9 sắp tới. Việc đưa đảng CDU của thủ tướng Đức Angela Merkel vào “tầm ngắm” là hành động cá nhân nhưng cho thấy rạn nứt đã đến hồi nghiêm trọng giữa hai bên. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn đi xa hơn trong tuyên bố khi gọi những đảng trên là “kẻ thù của nước Thổ”. Erdogan thậm chí còn lên cả truyền hình để chỉ dẫn: “Miễn đó là những người bạn thân thiện với Thổ Nhĩ Kỳ. Các bạn đừng lo lắng nếu nó chỉ là một đảng nhỏ, hãy trao cho họ lá phiếu của các bạn. Họ sẽ phát triển và lớn mạnh dần”. Chỉ dẫn này đã khiến Ngoại trưởng Đức - Sigmar Gabriel, một thành viên của SPD “nóng mặt” chỉ trích “đây là hành động can thiệp vô tiền khoáng hậu vào bầu cử cũng như chủ quyền của nước Đức”. Ông Erdogan sau đó cũng không vừa khi đốp chát lại ngay: “Ông ta (Sigmar Gabriel) hãy biết giới hạn của mình” đồng thời đặt ra nghi vấn về kinh nghiệm chính trị của Ngoại trưởng Đức. Dù cùng là thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Berlin và Ankara đã đi từ mối quan hệ đồng minh đến thù địch kể từ sau đợt đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái. Khi ông Erdogan ra tay thanh trừng các thế lực bằng cách bỏ tù nhiều tướng lĩnh bị cáo buộc “chủ mưu” lật đổ chính quyền của ông, đuổi việc nhiều nhân viên công quyền đồng thời tổ chức trưng cầu dân ý Hiến pháp nhằm trao thêm quyền lực cho chính mình, chính quyền Đức đã lên án Erdogan vi phạm nhân quyền. Đỉnh điểm mâu thuẫn dâng cao khi Ankara cho bắt giữ nhiều công dân Đức bao gồm một số nhà báo, đồng thời cáo buộc chính quyền Berlin cố tình không trao trả các chiến binh người Kurd cũng như các phần tử bị Ankara cáo buộc âm mưu tổ chức đảo chính năm 2016 hiện đang “tị nạn” ở Đức. Xung đột giữa hai bên đã nổ ra với mức độ ngày một tăng. Erdogan và Merkel nay đã không còn nhìn về một hướng Hôm 21-8, thủ tướng Đức Merkel đã chính thức lên tiếng, cho rằng phát biểu can thiệp bầu cử của ông Erdogan là “không thể chấp nhận được”. Theo cái nhìn của nhiều nước phương Tây hiện nay, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang trên con đường độc tài hóa khi ra sức thanh trừng và thâu tóm quyền lực về tay mình sau đảo chính. Erdogan đang tìm cách gạt bỏ các tiếng nói đối lập, chỉ trích, đồng thời đàn áp các nhà báo “dám” phản đối mình, đi ngược lại các giá trị dân chủ của Liên minh Châu Âu (EU). Rốt cuộc xung đột giữa hai bên đang đẩy Châu Âu lâm vào thế khó. Đức với vai trò là nền kinh tế lớn nhất lục địa già, điều phối các chính sách quan trọng của khối từ nhập cư đến viện trợ các nước đang lâm khủng hoảng như Hy Lạp. Còn Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở vị trí đắc địa án ngữ cửa ngõ vào Châu Âu từ hướng Tây Á và Bắc Phi. Đây cũng là con đường chính mà dòng người nhập cư từ các nước có chiến sự như Syria tràn sang. Để giải tỏa áp lực người di cư đến Hy Lạp, hồi đầu năm ngoái (2016), Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận chi 3 tỷ euro để Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường các biện pháp kiểm soát người tị nạn rời khỏi nước này, cụ thể là chặn dòng người vượt biển chạy sang các hòn đảo của Hy Lạp, giáp sát lãnh thổ mình. Theo ước tính hiện nay, tại Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 4 triệu người tị nạn Syria. Chỉ cần Ankara lơ là kiểm soát, lượng người này sẽ dễ dàng tràn sang phần còn lại của Châu Âu (nơi Đức là quốc gia chủ chốt) gây nên khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng. Đó là chưa kể ở nhiều lĩnh vực khác như hợp tác chống khủng bố khi Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia giáp cả Syria và Iraq, là nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoành hành. Chỉ cần Ankara lơ là, các phần tử khủng bố dễ dàng sử dụng lãnh thổ nước này làm trung gian để nhập cảnh đến các nước Châu Âu gây ra các vụ tấn công đẫm máu. Chuyện hục hặc giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vì thế mang tính chất không chỉ của cá nhân hai bên mà còn gây ảnh hưởng đến cả Châu Âu trên nhiều lĩnh vực hợp tác, kể cả hợp tác quân sự trong khối NATO. Các quả “đầu nóng” cần hạ nhiệt vì đại cục chung. |