(CAO) Khi tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un hôm 12-6 để tiến hành các cuộc đàm phán quan trọng nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh, Tổng thống Mỹ lúc nào cũng kè kè "chiếc cặp hạt nhân" ở kế bên.
Là lãnh đạo một quốc gia mới có vũ khí hạt nhân, ít người biết ông Kim Jong Un duy trì quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của mình như thế nào trong khi ông đi ra nước ngoài.
Khi hai ông gặp nhau ở Singapore tuần này, như thường lệ, ông Trump sẽ luôn được một nhân viên xách “cặp hạt nhân” đi theo, trong đó chứa thiết bị được sử dụng để cho phép một vụ tấn công xảy ra.
Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên lại là một trong những quốc gia bí mật nhất thế giới và việc chỉ huy cũng như kiểm soát các cơ sở hạt nhân của họ được giữ trong một vòng bảo mật chặt chẽ, không thể xuyên thủng.
Hơn nữa, từ khi lên nắm quyền năm 2011, ông Kim mới chỉ bắt đầu công du ra nước ngoài. Ông đã đến Bắc Kinh hai lần và đã băng qua biên giới tại Khu phi quân sự (DMZ) liên Triều để đến Hàn Quốc để gặp tổng thống nước này trong thời gian ngắn.
Singapore là nơi xa nhất ông đã đi kể từ khi nắm quyền.
Nhưng Reuters dẫn ý kiến các nhà phân tích Triều Tiên tin rằng không chắc ông Kim sẽ đến Singapore nếu không tự tin vào an ninh của kho vũ khí – và khả năng ra lệnh sử dụng nó.
“Chúng tôi không biết các khả năng giao tiếp an toàn của Triều Tiên được phát triển thế nào, vì vậy khả năng ông Kim Jong Un tiếp cận với quyền chỉ huy quốc gia của mình trong suốt thời gian lưu lại Singapore là một câu hỏi để ngỏ”, Reuters dẫn lời Andrew O’Neil, một chuyên gia về chính sách hạt nhân của Triều Tiên tại Đại học Griffith ở Queensland, Úc cho hay.
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un từng tuyên bố với thế giới rằng “một nút bấm hạt nhân luôn ở trên bàn làm việc của tôi” - Ảnh: Reuters
Theo Michael Madden, chuyên gia hàng đầu của website 38 North, giám sát Triều Tiên, có khả năng ông Kim ủy quyền canh gác kho vũ khí cho một số quan chức Triều Tiên tin cẩn ở lại Bình Nhưỡng, như Choe Ryong Hae, một trong vài lãnh đạo cao cấp tiễn ông Kim Jong Un tại sân bay khi ông khởi hành đi Singapore.
Madden cho rằng các quan chức được tin tưởng sẽ nắm quyền kiểm soát các đường dây nóng viễn thông cố định trong nước, và có lẽ có một hệ thống mật mã để kích hoạt hệ thống liên quan đến việc phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải, gồm cả việc liệu người Triều Tiên có hệ thống thông tin đủ mạnh để đảm bảo hệ thống không bị nhiễu loạn khi có lệnh tấn công hay không.
Ông Kim thăm một cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên - Ảnh: NYT
Vipien Narang, phó giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng: “Cấu trúc kiểm soát và chỉ huy của Triều Tiên trong lúc ông Kim đi công du không chắc đủ mạnh để ông có thể khai hỏa hoặc ngừng các trình tự phóng".