Các xu thế thuận nghịch của tình hình thế giới 2015-2016

Thứ Năm, 11/02/2016 19:36

|

(CATP) Nếu muốn tìm một từ có thể khái quát tình hình thế giới năm 2015 thì có thể gói gọn vào hai chữ “bất trắc”. Các khuôn khổ cũ bị phá vỡ từng mảng lớn, liệt quốc tranh hùng bất phân quy tắc, quan hệ quốc tế phân hóa sâu sắc với nhiều THAY ĐỔI trong tập hợp lực lượng chính trị, kinh tế. 

Khi năm Ất Mùi bước qua năm Bính Thân, đã hiện hữu một số xu thế nổi bật, tác động sâu sắc tới đời sống chính trị, kinh tế thế giới trong các năm tiếp theo.

Một đặc điểm rõ nét là cuộc đấu tranh quyền lực và cạnh tranh ảnh hưởng địa - chính trị, kinh tế giữa các nước lớn diễn ra gay gắt. Quan hệ Mỹ - Trung - Nga tuy bất cân xứng nhưng vẫn tác động đến nhiều mối quan hệ quốc tế; đối kháng Mỹ - Nga, Mỹ - Trung tạo nên cảm giác chiến tranh lạnh đang trở lại.

Về quan hệ Mỹ - Trung, do kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng, vị thế của Trung Quốc suy yếu hơn so với trước trong quan hệ với Mỹ. Bắc Kinh đã không đạt được thỏa thuận xây dựng mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Vì vậy từ sau cuộc gặp Thượng đỉnh Washington năm 2015, Trung Quốc dùng kinh tế, tài chính như công cụ để thực hiện một số bước đột phá vào hệ thống đồng minh truyền thống của Mỹ.

Điển hình là thúc đẩy quan hệ với Anh, đối thoại chiến lược và kinh tế với Cộng đồng châu Âu (EU), chủ động “xuống thang” trong quan hệ căng thẳng với Nhật Bản để đẩy nhanh tốc độ đàm phán Hiệp định đối tác thương mại tay ba Trung - Nhật - Hàn, đồng thời đẩy mạnh ngoại giao chu biên (láng giềng gần) và đại chu biên (láng giềng mở rộng).

Trung Quốc đẩy mạnh thâm nhập vào Ấn Độ Dương, hiện thực hóa từng bước “con đường tơ lụa trên biển”. Lần đầu tiên Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài - tại Djibouti, nơi giao cắt giữa vịnh Aden và Biển Đỏ, Bắc Phi và Trung Đông.

Các nước thành viên ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại New Zealand - Ảnh: dpa

Biển Đông là tiêu điểm nỗ lực của Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp biển và đại dương, nhằm thực hiện chủ trương trở thành cường quốc biển. Cuộc đại tranh chấp diễn ra từ các vùng biển Bắc Cực, Ấn Độ Dương và Đông Á, trở thành xu thế chi phối quan hệ nước lớn trong nhiều năm tới.

Châu Á tiếp tục quá trình thức tỉnh mới về biển, với Indonesia xác định trở thành cường quốc biển và thành một trong “tứ trụ” của châu Á cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ; Trung Quốc đẩy mạnh “con đường tơ lụa trên biển”; Nhật Bản tham gia cuộc chơi lớn ở vòng cung Ấn - Thái (Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương)...

Bất chấp dư luận quốc tế, Trung Quốc trong năm 2015 đã tạo ra cục diện mới tại Biển Đông với việc hoàn thành bồi đắp 7 đảo nhân tạo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tổ hợp quân - dân sự, nhằm tạo ra các căn cứ tiền tiêu ở Trường Sa, tiến tới thay đổi nguyên trạng Biển Đông và quân sự hóa vùng biển này, đặt cộng đồng thế giới “trước việc đã rồi”. Vùng nước xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa trở thành nơi cọ xát, thử thách cân não trực tiếp giữa các lực lượng quân sự Mỹ - Trung Quốc.

Mỹ triển khai một loạt biện pháp tổng hợp nhằm đối phó lâu dài với Trung Quốc: kết hợp giữa đấu tranh pháp lý với các thách thức trực tiếp sự hiện diện các đảo nhân tạo: đưa hai máy bay B-52 vào tuần sát không phận các đảo nhân tạo, đưa máy bay tuần thám P-8 vào Singapore để giám sát hoạt động tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, bán vũ khí cho Đài Loan, cho chiến hạm tuần tra gần một số đảo nhân tạo ở Trường Sa...

Tàu hải giám Trung Quốc (trái) ngang ngược phun vòi rồng vào tài chấp pháp của Việt Nam trên Biển Đông

 

Đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa- Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm và xây các công trình trái phép- Ảnh: Asia Maritime Transparency 

Ấn Độ vừa là tác nhân vừa là động lực của cuộc tranh hùng tại vòng cung Ấn - Thái. Nhằm điều chỉnh cách tiếp cận về đối ngoại và ứng phó với Trung Quốc, New Delhi chủ động triển khai các quan hệ tay ba Ấn - Nhật - Mỹ, Ấn - Nhật - Úc và song phương Ấn - Mỹ, Ấn - Nhật, Ấn - Úc... Đã xuất hiện sự hội tụ lợi ích chiến lược giữa các nước lớn Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc nhằm đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng hải quân của Trung Quốc trên các vùng biển trọng yếu này của thế giới.

Việc Nhật Bản thông qua đạo luật an ninh mới hồi tháng 9 năm ngoái sẽ tăng cường tính liên kết và chia sẻ trách nhiệm giữa liên minh Nhật - Mỹ, tăng chủ động, phối hợp đối kháng răn đe đối với Trung Quốc. Cuối cùng thì chính quyền Shinzo Abe đã tháo gỡ nút thắt chủ yếu trong Hiến pháp hòa bình 1947, mở ra các khả năng lựa chọn cho Tokyo can dự vào các công việc an ninh và quân sự ở châu Á.

Việc Nga can dự quân sự trở lại Syria là một trong các sự kiện nổi bật nhất của chính trị quốc tế năm 2015, làm cho 2015 trở thành “Năm Trung Đông”. Nga dùng Syria làm điểm đột phá để thoát khỏi tình trạng bị động chiến lược từ cuộc khủng hoảng Ukraina, khôi phục lại vị thế vốn có từ thời Xô viết tại khu vực này.

Sự can dự của Nga đã phá vỡ bế tắc chiến thuật của cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng thời tạo ra cục diện mới cho việc tìm kiếm giải pháp chính trị ở Syria và tập hợp lực lượng mới tại Trung Đông. Dường như ở giai đoạn hiện nay, vì khó tiêu diệt tổ chức này, các thế lực can dự ở Trung Đông muốn “khoanh” IS trên chiến trường chính Iraq - Syria hơn là đẩy nó bật ra gây rối ren ở các khu vực khác, làm tăng nghịch lý của cuộc chiến.

Dàn máy bay chiến đấu Su-25 xuất kích ở căn cứ  không quân Hemeimeem (Syria) đế tấn công các mục tiêu của IS - Ảnh: AP

2015 là năm ảm đạm và bất trắc của kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới thiếu động lực tăng trưởng, phục hồi chậm và khủng hoảng cơ cấu. Nổi lên 3 đặc điểm: một là, kinh tế châu Á tạm thời không thực hiện được vai trò động lực tăng trưởng toàn cầu; hai là, nền kinh tế Trung Quốc bước vào trạng thái tăng trưởng thấp, không thể đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới; ba là, cuộc cách mạng năng lượng và giá dầu thấp tác động đến ngành năng lượng dầu khí, làm suy yếu một số quốc gia xuất khẩu dầu khí.

Nhưng việc giá dầu hạ đang tạo mầm mống cho một giai đoạn khoa học công nghệ về năng lượng mới, thúc đẩy thế giới bước vào thời kỳ hậu kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch. Điều này đã ẩn hiện trong Thỏa thuận về biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris (Pháp) tháng 12-2015, tạo ra bước khởi đầu mới của thế giới ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu trên trái đất.

Nhưng các thành tựu to lớn trong khoa học - công nghệ vẫn chưa thể giúp loại bỏ tình trạng nghèo đói trên thế giới, trong khi khoảng cách giàu - nghèo ngày càng gia tăng giữa các quốc gia và trong nội bộ của một số nước.

Sắc đỏ tràn ngập trong một phiên giao dịch của thị trường chứng khoán Trung Quốc - Ảnh: AP

Toàn cầu hóa diễn tiến ít tùy thuộc vào các cơ chế toàn cầu; những chương trình nghị sự toàn cầu lớn khó đạt đến đồng thuận thực chất. Điều này thúc đẩy xu hướng đơn phương hoặc liên kết khối - khu vực. Trung Quốc thúc đẩy thực hiện chiến lược “Một vành đai - Một con đường”, Ngân hàng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), chủ trương xây dựng Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) thành khối kinh tế bên cạnh vai trò an ninh quân sự được xác định từ khi thành lập năm 2001.

Việc Mỹ cùng 11 thành viên khác hoàn tất Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thúc đẩy đàm phán với EU Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP), hay ASEAN thúc đẩy Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đi vào hoạt động... khẳng định tầm quan trọng của các liên kết kinh tế thương mại theo khối - khu vực.

Chủ nghĩa khủng bố thời gian qua trỗi dậy với hàng loạt vụ tấn công xảy ra tại nhiều nước, đe dọa an ninh thế giới. Dân thường vẫn tiếp tục là nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang cục bộ rất khốc liệt, với tỷ lệ thương vong ngày càng tăng. Đa số người dân ở những vùng chiến sự như Afghanistan, Iraq, Syria tuyệt vọng, rời bỏ đất nước để tránh chiến tranh loạn lạc, tìm kiếm những cơ hội mới, tạo ra hiện tượng tị nạn chiến tranh và cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn chưa từng có kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Báo chí Pháp đồng loạt đưa tin lên trang nhất vụ tấn công khủng bố ở Paris ngày 13-11-2015 do IS tiến hành 

Làn sóng di cư bất hợp pháp từ Trung Đông, Bắc Phi sang châu Âu trong năm 2015, và sẽ còn tiếp tục trong năm 2016, tạo ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà các nước trong Cộng đồng châu Âu phải chật vật ứng phó. Cuộc khủng hoảng này đang chia rẽ châu Âu, làm suy yếu các cơ chế liên kết của EU.

Những khoản chi ngân sách lớn và đột xuất làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế lẫn ngân sách của một số nước thành viên, bào mòn hệ thống an sinh xã hội bản địa. Tuy về dài hạn, những người tị nạn trong tương lai xa sẽ tác động tích cực đối với nền kinh tế châu Âu khi tạo ra nguồn lao động mới, góp phần quan trọng giải quyết các xu hướng nhân khẩu học đáng báo động của châu lục này do sự già hóa dân số. Nhưng châu Âu có thể phải “sống chung với khủng bố” một khi các thế lực Hồi giáo cực đoan tìm cách “xuất khẩu” sự hỗn loạn sang đây, tạo nên xung đột tôn giáo và giữa các nền văn minh.

Những người tị nạn tìm đến bến bờ Châu Âu may mắn được giải cứu trên biển- Ảnh: AP

Đây là thời kỳ cần những người chơi giỏi trên bàn cờ chính trị quốc tế, loạn thế xuất anh hùng. Các bất trắc chưa đảo lộn được xu thế chủ đạo của quan hệ quốc tế là hòa bình, hợp tác và phát triển.

Bình luận (0)

Lên đầu trang