Căng thẳng gia tăng: Belarus dọa cắt khí đốt sang EU

Thứ Sáu, 12/11/2021 10:31  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 12-11, BBC đưa tin nhà lãnh đạo Belarus đã đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu nếu các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt lên nước này liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư leo thang ở biên giới phía tây của đất nước.

Hàng nghìn người, chủ yếu từ Iraq, Syria và Yemen, đang ở biên giới Belarus với Ba Lan, chịu đựng điều kiện thời tiết lạnh giá với hy vọng được sang EU.

Các quan chức EU đã cáo buộc Belarus châm ngòi cuộc khủng hoảng để phá hoại an ninh của khối.

Để trả đũa, EU được cho là đang lên kế hoạch cho một gói trừng phạt mới.

Nhưng hôm 11-11, tổng thống Belarus - Alexander Lukashenko cảnh báo: "Nếu họ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với chúng tôi ... chúng tôi phải đáp trả".

Ông nói thêm: "Chúng tôi đang cung cấp khí đốt cho Châu Âu và họ đang đe dọa chúng tôi. Và điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên? Vì vậy, tôi khuyên các nhà lãnh đạo của Ba Lan, người Litva và những người khác hãy suy nghĩ trước khi phát biểu”.

Phát biểu của Lukashenko đề cập đến một đường ống dẫn khí đốt của Nga chạy qua Belarus dẫn vào EU.

Người di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus - Ảnh: Reuters

Bình luận của ông làm dấy lên những lo ngại mới trong bối cảnh tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên ngày càng trầm trọng và giá cả tăng ở châu Âu.

Ủy viên kinh tế của EU - Paolo Gentiloni nói rằng khối 27 thành viên "không nên bị đe dọa".

Nhưng Katja Yafimava đến từ Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nói rằng mối đe dọa của ông Lukashenko cần được xem xét nghiêm túc.

Tiến sĩ Yafimava nhận định: “Nếu EU thúc ép Belarus quá mạnh, họ có thể hành động theo mối đe dọa này”, đồng thời cho biết thêm rằng điều này có thể đẩy giá khí đốt tăng cao trên khắp châu Âu, bao gồm cả ở Anh.

Những đường ống chính dẫn khí đốt từ Nga qua Châu Âu, trong đó có đoạn đường ống đi qua Belarus - Ảnh: BBC

EU cũng được cho là đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với hãng hàng không nhà nước Nga Aeroflot vì vận chuyển người di cư đến Belarus, một cáo buộc mà Aeroflot bác bỏ.

Trước đó máy bay của hãng hàng không quốc gia Belavia của Belarus vào tháng 5 đã bị cấm bay trên bầu trời EU sau khi một chuyến bay của hãng Ryanair buộc phải chuyển hướng đến Minsk để Belarus bắt một nhà báo bất đồng chính kiến.

Căng thẳng ở biên giới Ba Lan – Belarus vì dòng người di cư
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang