(CAO) Diễn đàn An ninh châu Á (đối thoại Shangri-la) diễn ra tại Singapore từ ngày 3 đến 5-6 đã chứng kiến những chiêu trò của Trung Quốc từ lớn tiếng đe nẹt “Trung Quốc sẽ không khuất phục bá quyền” của ông trưởng đoàn Tôn Kiến Quốc đến việc cho phát tờ rơi in bằng hai thứ tiếng Trung, Anh tuyên truyền chủ quyền dối trá trên Biển Đông.
Hai động thái trên của Bắc Kinh tại Shangri-la như hai mặt sấp- ngửa của đồng xu chỏi nhau 180 độ. Ông Quốc - Phó tổng tham mưu trưởng quân đội dùng từ “bá quyền” để ngụ ý nước này bị các nước khác như Mỹ, Nhật, gồm cả Việt Nam và Philippines là hai nước tranh chấp trực tiếp với họ trên Biển Đông đang ra sức tạo luồng dư luận, xâm phạm “chủ quyền” tự phong của Bắc Kinh khi không chấp nhận đường 9 đoạn.
“Bá quyền” mà ông Quốc nói tới cũng nhằm quay mũi dùi đả kích vào Mỹ- quốc gia đã cho loạt tàu chiến tuần tra Biển Đông gần đây.
Ông Quốc tại Shangri-la đã biến Trung Quốc thành “nạn nhân”, “kẻ vô tội” bị các nước khác “bá quyền” chèn ép.
Để diễn giải cho yêu sách chủ quyền kiêu mạn, đoàn Trung Quốc còn mang đến Đối thoại Shangri-la tờ rơi in bằng hai ngôn ngữ Anh, Trung tiêu đề "Các khía cạnh vấn đề Nam Hải (Biển Đông)" , trong đó nội dung không gì khác là bản đồ in hình đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) áp sát, lấn vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Philippines. Biển Đông- vùng biển quốc tế quan trọng nay bị Trung Quốc trắng trợn biến thành “ao nhà”.
Tờ rơi này thể hiện 4 điểm chính sau:
1/ Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc.
2/ Vu cáo “Một số nước xung quanh biển Đông đã đưa quân xâm chiếm các đảo, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa và rằng Trung Quốc là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên, và khai thác quần đảo Trường Sa”.
3/ Cho rằng các nước khác đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa là trái luật pháp quốc tế vì Trung Quốc đã có chủ quyền ở đây “từ thời xa xưa”.
4/ Vấn đề tranh chấp Biển Đông cần giải quyết theo hướng đàm phán song phương giữa các nước liên quan.
Tờ rơi "Các khía cạnh vấn đề Nam Hải (Biển Đông) được Trung Quốc phát ở Shangri-la - Ảnh: Facebook BBC
Những nội dung trong tờ rơi này đang biến việc làm của phái đoàn Trung Quốc (phát tờ rơi) thành trò hề trước các đoàn đại biểu khác tại Shangri-la:
1/ Các bản đồ và thư tịch cổ từ mộc bản Triều Nguyễn của Việt Nam đến các bản đồ thời Minh, Thanh được các công ty in ấn phương Tây phát hành từ nhiều thế kỷ nay đều xác định lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Các học giả tại Shangri-la cũng dư sức thấu hiểu luật pháp quốc tế khi Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) mà Trung Quốc cũng là bên tham gia quy định rõ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ của mỗi nước. Đường lưỡi bò áp sát bờ biển Việt Nam, Philippines, vậy luật pháp quốc tế ở đâu trong mắt Bắc Kinh?
Bên cạnh đó, yêu sách của Bắc Kinh bồi lấp các bãi đá, đảo cưỡng chiếm trái phép từ Việt Nam trên biển Đông thành đảo nhân tạo là vô giá trị về mặt pháp lí.
UNCLOS quy định các đảo nhân tạo không được hưởng quy chế của các đảo tự nhiên, tức không được quốc tế công nhận về lãnh hải nên việc Trung Quốc cố biến các bãi đá ngầm ở Trường Sa thành đảo để hưởng đặc quyền 12 hải lý xung quanh như các đảo là không thể.
UNCLOS quy định các nước chỉ có thể xác lập vùng an toàn xung quanh các đảo nhân tạo trong phạm vi 500 mét nên yêu sách xây đảo tạo vùng lãnh hải của Bắc Kinh trên biển Đông là vi phạm nghiêm trọng UNCLOS mà nước này là bên kí kết.
2/ Việc vu cáo “Một số nước xung quanh biển Đông đã đưa quân xâm chiếm các đảo, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa” trong tờ rơi cũng là sự vu cáo trắng trợn lịch sử. Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận việc hải quân Trung Quốc đã nổ súng tấn công quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, một số bãi đá ngầm tại Trường Sa của Việt Nam năm 1988.
Hàng chục nghĩa sĩ, chiến sĩ Việt Nam đã ngã xuống bảo vệ từng tấc đất quê hương trước những hành động xâm chiếm này của Bắc Kinh. Có thể kể đến 64 chiến sĩ đã hy sinh ở đá Gạc Ma trước mũi súng quân Trung Quốc năm 1988. Viết những lời vu cáo này trong tờ rơi, Trung Quốc đang tự tát vào mặt mình.
3/ Các nước khác đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa là trái luật pháp quốc tế vì Trung Quốc đã có chủ quyền ở đây “từ thời xa xưa” cũng là một tuyên bố chung chung, mơ hồ.
“Từ xa xưa” của Trung Quốc là từ thời nào?. Trong khi Liên Hiệp Quốc chỉ mới ra đời sau Thế chiến thứ hai, các khung pháp lý quốc tế mới bắt đầu ra đời để hướng dẫn các nước cách thức xác lập chủ quyền dựa trên các bằng chứng khoa học như hiện vật khảo cổ, bản đồ, thư tịch cổ, các hiệp ước ký kết trước đó giữa các nước và quá trình hiện diện và khai thác lâu dài của một nước trên các thực thể trên biển ( Việt Nam từ thời nhà Nguyễn đã có các đội lính ra trấn giữ, ngư dân ra khai thác thủy sản ở Hoàng Sa,Trường Sa).
Chủ quyền “xa xưa” của Trung Quốc là từ khi nào?. Nói như lập luận của Bắc Kinh thì cả nước Ý ngày nay sẽ chiếm trọn chủ quyền biển Địa Trung Hải vì họ là cái nôi của đế chế La Mã khi xưa từng trải rộng diện tích lãnh thổ bao trùm cả vùng biển này.
4/ Vấn đề tranh chấp Biển Đông cần giải quyết theo hướng đàm phán song phương giữa các nước liên quan cũng là một đề xuất chủ quan của Bắc Kinh khi nhiều khu vực như quần đảo Trường Sa có sự tranh chấp của nhiều bên thì làm sao chỉ có “anh và tôi” ngồi nói chuyện?
Tại Shangri-la, Bắc Kinh đã cho cộng đồng quốc tế thấy một trò hề vô tiền khoáng hậu.