Ông Eric de la Chesnais, vừa là kỹ sư nông nghiệp, vừa là nông dân có nông trại ở vùng Mayenne, tác giả của cuốn "Agriculteurs, les raisons d´un désespoir" (Nhà nông, những lý do của sự tuyệt vọng) xuất bản năm 2017 đã có nhận định như thế.
Sống ở vùng quê đã 20 năm nay, tôi biết nhà quê bên Pháp có những điểm đặc biệt. Họ phải dùng nhiều chất (độc) hóa học như chất diệt cỏ dại, diệt côn trùng, phân bón và nước trong việc trồng trọt.
Đến mùa gặt chúng tôi thường bị chảy máu mũi vì gió thổi những chất độc hóa học khi họ làm đồng, phun thuốc trừ cỏ dại bằng những cỗ máy khổng lồ có hai cánh xòe rộng cả mấy chục thước, khiến thuốc bay vào cả khu dân cư.
Còn nếu bón phân thì nhà sẽ nồng nặc mùi hôi. Ngoài ra, còn thu hút ruồi nhặng bay đầy nhà, thời gian đôi khi kéo dài cả tháng vẫn chưa hết ruồi.
Đời sống trong làng thì nhà nào biết nhà nấy, không có một tinh thần đoàn kết mà ngược lại là tinh thần chia rẽ vì lý do chính trị, khác màu da, ngôn ngữ. Thậm chí, giữa những nông dân người Pháp với nhau cũng bất đồng trong việc thu mua nông sản với thương lái, đặc biệt trong việc thống nhất giá cả.
Những người được xem nắm vai trò quản lý của chính phủ thậm chí lấy đi phần quà Giáng Sinh hàng năm của người già để trừng phạt người này không chịu đi bầu bỏ phiếu theo ý họ đề nghị. Vì thế, họ tự cô lập họ. Khi tình thế biến đổi, người khác làm ngơ.
Ông De la Chesnais cho rằng, ngoài những nguyên nhân kinh tế, người nông dân Pháp còn khổ vì sự thiếu nhìn nhận của xã hội Pháp, đã dần dần rời bỏ vùng quê, và mất đi sự tôn trọng nghề nông. Ông nhìn nhận rằng người nông dân hôm nay ít gặp nhau, khó nói chuyện và khó kết nối các quan hệ xã hội, dẫn đến sự cô đơn vật chất và tinh thần, khác hẳn với các thế hệ nông dân trước kia.
Nhà nông bên Pháp trước kia sống nhiều thế hệ chung trong một nhà và hoạt động theo tính cách cha truyền con nối. Ngày nay chỉ có những đại điền chủ mới có người nối tiếp gia tài để lại, vì phải "chia năm xẻ bảy" cho những người con thừa kế không làm nghề nông.
Những trung nông, phú nông ngày nay không đủ sức để chịu sự áp đặt của thị trường. Những năm 40, 50, 60, 70 chỉ với sáu con bò sữa cho khoảng 30 lít sữa một ngày thì họ đủ sức trang trải những chi tiêu trong một gia đình.
Hiện tại, giá sữa tươi áp đặt ở bên Pháp là 0,34 euro/lít. Quá ít để họ sống. Trên thị trường thì một lít sữa tươi bán ra là 1,20 euros. Nhiều cơ sở thu mua nhỏ phải dẹp tiệm vì không đủ sức cạnh tranh.
Một trong những nguyên nhân khiến cho nhà nông tự tử là mắc nợ ngân hàng, họ nhắm sức không trả nổi cả vốn lẫn lãi vì tiền lời chồng chất, phí tổn cho mùa vụ quá cao, giá thu mua thấp. Nhiều nhà nông mặc cảm cho là lỗi tại mình, mà không thấy là lỗi chính là do hệ thống chính trị toàn cầu hóa gây ra, các cơ sở thâu mua phân phối lại, bán lại ép giá, mà không có sự trợ giúp, can thiệp nào hữu hiệu của chính phủ để điều chỉnh lại tình trạng "tự do" của thị trường.
Công việc chính của nhà nông là sản xuất ra thực phẩm, cây trồng kỹ nghệ hầu như đã bị xã hội tiêu thụ đánh giá thấp, họ là những người tàn phá môi trường (dùng chất hóa học) hay bảo vệ môi trường (ít dùng chất hóa học) khi chịu sức ép của thị trường thâu mua nông sản.
Cơ quan cứu trợ giúp đỡ nhà nông "Agri'ecoute" nhận được 1.700 cú điện thoại cầu cứu trong năm 2016. Thông tin này thực tế thì đã cũ, hiện nay cứ cách một ngày thì lại có một nông dân tự tử, và họ chết, giống như những gia súc của họ, trong "sự im lặng".
Nguyên nhân khiến họ dẫn đến kết cục bi thảm là thiếu sự quan tâm và hỗ trợ cần thiết từ phía chính phủ
Năm 2016, theo công bố trên báo chí Pháp, mỗi ngày có 27 người tự tử tại Pháp. Thống kê năm 2012 của ONS (Observation national du suicide) cho biết có ít nhất 10.700 người tự tử, đàn ông nhiều hơn rõ rệt so với phụ nữ. Thống kê cũng ghi nhận các vùng Bretagne, Basse-Normandie, Nord-Pas-de-Calais, Limousin và Pays de la Loire là có mức độ tự tử cao hơn các vùng khác, đây là những vùng quê, vùng vựa thực phẩm nông sản của Pháp.
Ở Paris, thành phố giàu có, hoa lệ thì mức độ tự tử lại thấp nhất nước Pháp. Cũng theo thống kê nói trên thì đàn ông thường tự treo cổ (59%), tự tử bằng súng (19%), còn phụ nữ thì thưởng tự tử bằng thuốc (25%). Con số tự tử nhưng được cứu kịp thời đưa vào nhà thương thì rất cao, 20 lần nhiều hơn là số người chết, khoảng 200.000 trường hợp mỗi năm.