Palau ở thế “lưỡng nan” trong căng thẳng ngoại giao Đài Loan – Trung Quốc

Chủ Nhật, 19/08/2018 17:31

|

​(CAO) Căng thẳng ngoại giao kiểu “ăn miếng trả miếng” giữa Trung Quốc và Đài Loan đang đẩy quốc đảo Palau ở Thái Bình Dương vào thế lưỡng nan khi đây là nước lập quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền Đài Bắc. 

Những phòng khách sạn trống rỗng, những con thuyền du lịch vắng khách, các công ty du lịch nhỏ đóng cửa khi vắng hẳn khách Trung Quốc. Năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh cấm việc tổ chức tour đến quốc đảo này, xem đây là điểm đến phi pháp vì chính quyền Palau ‘dám” duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan - hòn đảo được Trung Quốc xem là một tỉnh tự trị, tương lai sẽ sáp nhập về Đại lục.

Hiện nay Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng trên khắp Thái Bình Dương. Palau hiện là một trong số 18 đồng minh còn sót lại của chính quyền Đài Bắc trên thế giới bất chấp áp lực từ Bắc Kinh.

Reuters dẫn lời Jeffrey Barabe, chủ sở hữu khách sạn trung tâm Palau và resort Palau Carolines ở Konor cho biết: “Đang xảy ra bàn tán về việc Trung Quốc sử dụng du lịch như vũ khí chống lại Palau. Một số người tin rằng những đồng đô la Trung Quốc rót vào nước này, nay họ đang rút ra nhằm gây áp lực Palau thiết lập quan hệ ngoại giao với mình mình”.

Ở khu vực trung tâm thương mại Koror của Palau, dấu hiệu Trung Quốc rút khỏi nước này có thể thấy ở khắp nơi: Những khách sạn đóng cửa, nhà hàng vắng bóng khách, các công ty du lịch, bến tàu… cũng cùng chung số phận hẩm hiu.

Trước khi Trung Quốc cấm du lịch, khách từ Đại lục chiếm khoảng phân nửa lượng khách đến Palau. Trong 122.000 du khách đến đảo quốc này năm 2017, 55.000 người đến từ Trung Quốc, 9.000 người đến từ Đài Loan.

Trước đó các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót tiền vào đây để xây các khách sạn, mở các ngành kinh doanh và mua các khu bất động sản lớn ven biển. Sự sụt giảm là rõ nét. Hãng hàng không Palau Pacific thông báo từ tháng 7 họ dừng các chuyến bay thuê chuyến từ Trung Quốc, cách quốc đảo này 4 giờ bay vào cuối tháng 8 do lượng khách sụt giảm.

“Chính quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực làm chậm hoặc chấm dứt làn sóng du lịch đến Palau, giảm khoảng 50% lượng khách đặt vé từ khi lệnh giới hạn được ban hành” – hãng hàng không này cho biết.

Những chiếc xe buýt chở khách đi tour từ Trung Quốc bỏ không ở Palau do lượng khách giảm từ Đại lục - Ảnh: Reuters

Thực trạng ở Palau cũng không lạ gì khi Trung Quốc thường xuyên dùng du lịch làm công cụ trả đũa. Năm ngoái, Bắc Kinh đã ngưng các tour đến Hàn Quốc sau khi Seoul cho lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của mình với lý do đối phó với Triều Tiên nhưng có tầm bắn vươn đến lãnh thổ Trung Quốc.

Khi được hỏi về việc liệt Palau vào “điểm đến phi pháp” như một cách gây áp lực để hòn đảo này chấm dứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời với Reuters rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước khác đều dựa trên chính sách “Một Trung Quốc”, tức xem Đài Loan là một phần lãnh thổ thuộc Đại lục.

“Chính sách Một Trung Quốc là điều kiện tiên quyết để Trung Quốc duy trì và phát triển quan hệ hợp tác thân thiện với tất cả các quốc gia trên Thế giới”.

Trong khi đó, Đài Loan cho biết chỉ trong vòng 2 năm qua, Bắc Kinh đã tìm cách khiến 4 nước tuyệt giao với Đài Bắc 'bằng cách đưa ra các gói viện trợ và đầu tư hấp dẫn”.

Tổng thống Palau - Tommy Remengesau Jr. trong khi đó nói với Reuters rằng hiện chưa có thông báo chính thức nào từ Bắc Kinh về lệnh giới hạn khách đến du lịch ở quốc đảo này. “Không có gì bí mật khi Trung Quốc thích chuyển mối quan hệ ngoại giao thân thiện với Đài Loan của Palau sang họ, nhưng chính sách Một Trung Quốc không phải là lựa chọn của chúng tôi”, Tổng thống Tommy Remengesau nói.

Vị tổng thống có nhiệm kỳ tại vị đến tháng 1-2021 nhấn mạnh Palau hoan nghênh đầu tư và du lịch từ Trung Quốc nhưng chính sách hiện tại của chính quyền đang có phần nghiêng về Đài Loan hơn.

Tổng thống Palau - Tommy Remengesau - Ảnh: Reuters

Palau hiện đang chấp nhận sự rút đi của du khách Trung Quốc bằng cách tập trung vào tầng lớp du khách chi trả cao hơn thay vì những du khách đại trà chi tiêu ít đến từ Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh: “Thật sự thì số lượng du khách không có nghĩa họ sẽ mang đến lợi nhuận lớn cho Palau. Chúng tôi xác định chính sách chất lượng hơn số lượng”.

Hiện Mỹ cũng đang đầu tư vào khu vực các quốc đảo Thái Bình Dương nhưng không rầm rộ bằng Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định với Reuters: “Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là một trò chơi có tổng bằng không”. Mỹ bày tỏ lo ngại về khả năng mất ổn định tín dụng của nhiều nước khi vay từ Trung Quốc cũng như những quan ngại về môi trường, xã hội, điều kiện lao động đi kèm với các dự án Trung Quốc cho vay tiền ở khu vực này.

Một báo cáo an ninh phát hành vào tháng 6 của Uỷ ban thẩm định Kinh tế và Chứng khoán Mỹ - Trung nhận định Bắc Kinh đang gia tăng tầm ảnh hưởng về kinh tế ở khu vực Thái Bình Dương bằng các ưu tiên ngoại giao và chiến lược của họ, bao gồm việc giảm thiểu sự hiện diện quốc tế của chính quyền Đài Loan ở đây, tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển lực lượng hải quân.

Một quầy thông tin đón khách du lịch Trung Quốc ở Palau vắng tanh do lượng khách giảm - Ảnh: Reuters

Không phải ai cũng lo ngại sự hiện diện của Trung Quốc. Reuters dẫn lời cựu tổng thống Palau Johnson Toribiong cho rằng: “Tôi thích Đài Loan. Tuy nhiên thậm chí người Đài Loan bây giờ cũng muốn Trung Quốc. Những doanh nhân, họ luôn muốn Trung Quốc rót tiền. Họ không quan tâm về chính trị, họ chỉ nghĩ về lợi ích kinh tế”.

Hiện nay Palau nhận đầu tư 10 triệu USD mỗi năm từ Đài Loan, chủ yếu là các khoản cung cấp học bổng y khoa và đầu tư giáo dục.

Trong khi đó tiền của Trung Quốc đang rót đều vào khu vực các quốc đảo Thái Bình Dương với hàng tỷ USD đổ vào thương mại, đầu tư, viện trợ, du lịch ở khu vực quần đảo Micronesia. Tổng giao thương giữa các quốc gia trong vùng này với Trung Quốc năm 2017 đã lên đến 8,2 tỷ USD.

Palau đang đứng trước bài toán khó, giữa bài toán kinh tế và việc cân bằng giữa các mối quan hệ.

Một bãi biển ở Palau - Ảnh: Reuters
Vị trí của Palau (màu đỏ) trên khu vực tây Thái Bình Dương - Ảnh: Wikipedia

Bình luận (0)

Lên đầu trang