Hơn 9 triệu người nhiễm nCoV trên toàn thế giới

Thứ Ba, 23/06/2020 18:47

|

(CAO) Tình hình dịch nCoV trên toàn thế giới vẫn chưa có xu hướng được kiểm soát, với hơn 9,2 triệu trường hợp nhiễm, trong đó có 474.730 người chết. Dịch bệnh ở Châu Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi Đức, Trung Quốc phát hiện nhiều "ổ dịch" lớn.

Hiện vẫn chưa có nước nào vượt được Mỹ khi nước này ghi nhận 2.388.225 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 122.610 người chết, gấp đôi số ca nhiễm so và tử vong của nước đứng thứ hai là Brazil (với 1.111.348 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 51.407 người chết).

Điều đáng lo ngại là tình hình dịch nCoV ở Mỹ còn có xu hướng tăng tại một số bang, đặc biệt là sau khi tiến hành nới lỏng lệnh phong tỏa. Các bệnh viện tại thành phố Houston, bang Texas, thậm chí ghi nhận số bệnh nhân nhiễm nCoV tăng tới 177% trong tuần qua. Số ca nhiễm mỗi ngày tại Mỹ hiện vẫn ở mức cao, với hơn 25.000 trường hợp.

Người dân Mỹ đeo khẩu trang khi xếp hàng mua đồ - Ảnh: AFP

Dù Brazil đứng thứ hai trong "bảng danh sách" nhưng vẫn khiến nhiều chuyên gia lo ngại tính minh bạch trong thông tin dịch bệnh của chính phủ nước này. Thêm vào đó, nước này gỡ bỏ nhiều hạn chế, khiến nguy cơ khả năng dịch bệnh còn lây nhiễm cao hơn trước. Khu vực châu Mỹ cũng đang chứng kiến nhiều quốc gia có tình hình dịch chuyển biến nghiêm trọng. Cụ thể là Peru và Mexico, với số ca nhiễm hơn 2.500 trường hợp/ngày.

Nga là vùng dịch lớn thứ ba thế giới, với tổng số gần 593.000 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 8.206 người tử vong, nước này ghi nhận hơn 7.000 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày. Các ca nhiễm bệnh không triệu chứng vẫn khiến giới chức y tế Nga đau đầu, nó khiến việc kiểm soát dịch trở nên hết sức khó khăn. 

Ở khu vực châu Á, Ấn Độ hiện đang đứng thứ tư trong danh sách với gần 441.000 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 14.015 người chết, số ca nhiễm mới mỗi ngày lên tới hơn 13.000 trường hợp. Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại vì con số thống kê của nước này nhiều khi không chính xác nhất là đối với các khu vực ngoại thành, nơi cơ sở vật chất y tế vốn không đủ đảm bảo để tiến hành các xét nghiệm chính xác hay với số lượng nhiều. 

Hai nước ở vị trí tiếp theo là Anh Và Tây Ban Nha, cũng như châu Âu được đánh giá là đã qua "đỉnh dịch". Tuy nhiên, số ca nhiễm mới ở Tây Ban Nha ổn định hơn với chỉ khoảng trên 200 ca nhiễm mỗi ngày. Trong khi tỷ lệ này ở Anh xấp xỉ 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Anh cũng cho mở cửa lại một số trường học nhưng quán bar và nhà hàng vẫn đóng cửa.

Người dân Bắc Kinh xếp hàng xét nghiệm nCoV hôm 21-6 - Ảnh: AFP

Đức và Trung Quốc đang lo ngại với những ổ dịch lớn, nhiều nguy cơ gây ra "làn sóng thứ 2" mà các chuyên gia y tế từng nhắc tới. Như Đức là ổ dịch hơn 1.000 ca nhiễm, khiến 6.500 người có liên quan phải tiến hành cách ly. Trong khi Trung Quốc phát hiện "ổ dịch" tại chợ thực phẩm Tân Phát Địa, gây lo ngại nơi đây có thể trở thành "thành phố Vũ hán thứ 2".

Bình luận (0)

Lên đầu trang