(CATP) Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày càng trở nên liều lĩnh trong hành trình gieo rắc tư tưởng cực đoan và nỗi lo khủng bố ra toàn cầu. Trợ thủ đắc lực của chúng giờ đây có sự góp mặt của các thiết bị công nghệ cao, trong đó có máy bay không người lái.
Hôm qua 21-1, trang Sputnik News đưa tin, đầu tuần này dân quân Iraq phát hiện hai máy bay không người lái (UAV) là Fallujah và Haditha do IS chế tạo xuất hiện trên bầu trời tỉnh Anbar. Hai chiếc UAV được trang bị camera, có khả năng truyền dữ liệu hình ảnh chụp khu vực chúng bay qua để gửi về các đơn vị phân tích của tổ chức này dưới mặt đất.
Thông tin trên cùng với việc tình báo Israel cảnh báo IS đang bước vào giai đoạn cuối của quy trình chế tạo máy bay không người lái có khả năng mang vũ khí để thực hiện các vụ tấn công đang khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng.
Với tầm hoạt động của mỗi chiếc UAV trong phạm vi 60km, nay khả năng tấn công của IS càng được “chắp cánh” trên không. Bom không kích của Mỹ, Nga có thể tấn công IS trên mặt đất, nhưng với những chiếc UAV di động bay trên trời thì khó thể quản lý được hết số vũ khí chúng mang theo.
Nguồn tin tình báo cho biết IS đang nghiên cứu cách cài bom và tên lửa lên các UAV để có thể tấn công từ xa. Có hai giả thiết được đặt ra: một là binh sĩ Iraq do Mỹ đào tạo có thể đã bán công nghệ chế tạo UAV cho IS, hai là IS lấy cắp công nghệ từ các chiếc UAV của Mỹ bị tổ chức này bắn rơi để học kỹ thuật chế tạo.
Một chiếc MQ-1 Predator của Mỹ được cho là hình mẫu UAV được IS dùng để mô phỏng chế tạo lại . Ảnh: Wikipedia
Trước sự bành trướng của IS, Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia phương Tây (Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan) đã họp tại thủ đô Paris hôm 20-1 để bàn phương cách hữu hiệu chống IS. AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh, ông và các đồng minh sẽ “nghiền nát căn bệnh ung thư là IS bằng cách tiêu diệt hai trung tâm quyền lực của chúng ở Raqqa, Mosul” đồng thời với việc “chiến đấu với khối di căn IS đang lan ra toàn thế giới”.
Tuy nhiên, bất đồng Nga - Mỹ đang cản trở nỗ lực chống IS khi hai liên minh tấn công tổ chức này (một do Mỹ dẫn đầu, một do Nga - Syria - Iran liên kết) vẫn đang hoạt động rời rạc, ít có sự phối hợp do bất đồng về quan điểm giải quyết khủng hoảng ở Syria.
Những diễn biến mới nhất cho thấy giờ đây không còn thời gian cho những đắn đo, bất đồng mà là thời khắc các bên cần ngồi lại hợp lực cùng nhau tổng tấn công IS.