(CAO) Panama tự hào mình là "cây cầu của thế giới, trái tim của vũ trụ" nhưng gần đây eo đất hẹp ở khu vực Trung Mỹ với kênh đào cùng tên nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương đã trở thành bối cảnh cho cuộc đụng độ gay gắt giữa hai siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới: Mỹ và Trung Quốc.
CNN đưa tin cuộc khẩu chiến leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về kênh đào đã khiến Panama - quốc gia không có quân đội bối rối.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã tuyên bố mà không có bằng chứng rằng Trung Quốc đang bí mật kiểm soát kênh đào Panama - nơi có khoảng 40% lưu lượng container của Mỹ đi qua. Nếu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kênh đào không bị ngăn chặn, ông Trump đã đe dọa sẽ "lấy lại" tuyến đường thủy mang tính biểu tượng mà Mỹ đã trả lại cho Panama vào năm 2000, cũng như sử dụng vũ lực nếu cần.
Tổng thống Panama - José Raúl Mulino bác bỏ tuyên bố của Trump nhưng cũng đã có những nỗ lực đáng kể để xoa dịu Nhà Trắng, chẳng hạn như rút khỏi sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vào tháng 2.
Vào tháng 3, gã khổng lồ đầu tư của Mỹ - BlackRock đã công bố một thỏa thuận trị giá 22,8 tỷ USD để mua 43 cảng, bao gồm hai cảng nằm ở hai bên kênh đào Panama từ tay CK Hutchison, công ty hậu cần Hồng Kông mà chính quyền Trump cáo buộc là nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc, điều mà Hutchison phủ nhận.
Nhưng những nhượng bộ đó dường như chỉ “đổ thêm dầu vào lửa” cho Nhà Trắng, gần đây nhất là vào tuần này Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Pete Hegseth trong chuyến thăm Panama để tham dự Hội nghị an ninh Trung Mỹ. "Tôi muốn nói rõ ràng rằng Trung Quốc không xây dựng kênh đào này. Trung Quốc không vận hành kênh đào này và Trung Quốc sẽ không biến kênh đào này thành vũ khí. Cùng với Panama dẫn đầu, chúng tôi sẽ giữ cho kênh đào an toàn và sẵn sàng cho tất cả các quốc gia giao thương thông qua sức mạnh răn đe của lực lượng chiến đấu mạnh nhất, hiệu quả nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới" - Hegseth nhấn mạnh.

Tàu hàng đi qua kênh đào Panama - Ảnh: AP
Trung Quốc ngay lập tức đáp trả những lời chỉ trích gay gắt của Hegseth. “Ai đại diện cho mối đe dọa thực sự đối với kênh đào? Mọi người sẽ tự đưa ra phán đoán của riêng mình” - phía Trung Quốc đáp trả.
Bộ trưởng Bộ các vấn đề kênh đào Panama - José Ramón Icaza đã nói với các phóng viên rằng Cơ quan quản lý kênh đào Panama đã đồng ý tìm một "cơ chế" cho phép các tàu hải quân Mỹ đi qua kênh đào với "chi phí trung lập" để đổi lấy sự an ninh do các tàu đó cung cấp và việc Mỹ công nhận chủ quyền của Panama đối với kênh đào.
Mặc dù theo chính phủ Panama, các tàu của Hải quân Mỹ chỉ chi trung bình vài triệu đô la mỗi năm để đi qua kênh đào, chính quyền Trump đã thúc đẩy mạnh mẽ để cơ quan quản lý kênh đào chấp thuận nhượng bộ dù theo luật pháp Panama, cơ quan này được cho là sẽ tính cùng một mức phí cho tất cả các quốc gia khi có tàu đi qua.
Panama đã chứng minh mình là đồng minh quan trọng về vấn đề nhập cư vào Mỹ. Trong thời gian chính quyền Mỹ do tổng thống Joe Biden nắm quyền, Mulino đã bắt đầu đóng cửa Darien Gap – dải đất hẹp nơi hàng trăm nghìn người đã vượt qua trên đường đến Mỹ và bằng cách chấp nhận các chuyến bay trục xuất từ Mỹ.
Nhưng rõ ràng là có những giới hạn về những yêu cầu của Mỹ mà ông có thể đáp ứng, vì đồng hương của ông và phần lớn các chính quyền ở khu vực Trung Mỹ ngày càng tức giận trước những lời đe dọa ngày càng tăng từ chính quyền Trump và những yêu cầu nhượng bộ hơn nữa.
Trong tuần này, tại một cuộc họp báo, Hegseth đã ám chỉ đến khả năng tái lập các căn cứ quân sự của Mỹ để bảo vệ kênh đào.
Vài phút sau, với sự chứng kiến của Hegseth, Bộ trưởng An ninh Panama - Frank Ábrego đã thẳng thừng phủ nhận rằng tổng thống Mulino đang cân nhắc khả năng cho phép các căn cứ của Mỹ hiện diện tại quốc gia này.
Không rõ liệu Trump có chấp nhận câu trả lời "không" hay không và khi cuộc chiến nhằm gia tăng ảnh hưởng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc về kênh đào ngày càng căng thẳng, Panama rõ ràng là đang bối rối khi bị đẩy vào cuộc cạnh tranh này.
(CAO) Hôm 23/12, Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ giành lại quyền kiểm soát của Mỹ đối với kênh đào Panama, cáo buộc Panama tính phí quá cao để sử dụng tuyến đường biển qua Trung Mỹ nối giữa Đại Tây Dương với Thái Bình Dương.