(CAO) Hôm 8-2, Reuters đưa tin trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình với tư cách là nhà lãnh đạo quân đội Myanmar, thống tướng Min Aung Hlaing cho biết quân đội sẽ xây dựng “một nền dân chủ thực sự và có kỷ luật”, khác với các thời kỳ quân đội quản lý trước đây khiến Myanmar bị cô lập.
Ông nói: “Chúng ta sẽ có một cuộc bầu cử. Chúng tôi (quân đội) sẽ chuyển giao quyền lực cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử đó, theo các quy tắc của nền dân chủ”.
Phát biểu của thống tướng Min Aung Hlaing được đưa ra trong bối cảnh quân đội bất ngờ tiến hành đảo chính trong khi Ủy ban bầu cử nước này đã bác bỏ cáo buộc gian lận của ông về cuộc bỏ phiếu năm ngoái.
Tướng Min Aung Hlaing không đưa ra khung thời gian cụ thể để tổ chức bầu cử nhưng chính quyền cho biết tình trạng khẩn cấp được ban bố sẽ kéo dài trong một năm.
Các chính phủ phương Tây đã lên án rộng rãi cuộc đảo chính mặc dù có rất ít hành động cụ thể cho đến nay để gây áp lực lên các tướng lĩnh.
Một doanh nhân Singapore nổi tiếng cho biết ông sẽ rút khỏi khoản đầu tư của mình vào một công ty thuốc lá Myanmar có liên quan đến quân đội. Trước đó, tập đoàn đồ uống khổng lồ Kirin Holdings của Nhật Bản tuần trước cũng đã rút khỏi liên minh sản xuất bia tại nước này để phản đối cuộc đảo chính.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trước đó đã kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và những người bị giam giữ khác. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt vào tuần này để thảo luận về cuộc khủng hoảng theo yêu cầu của Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Thống tướng Min Aung Hlaing- Ảnh: AP
Cuộc đảo chính ngày 1-2 dẫn đến việc bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự đắc cử Aung San Suu Kyi đã kéo theo nhiều ngày biểu tình trên toàn quốc đòi thả bà. Phong trào bất tuân dân sự ngày càng tăng ảnh hưởng đến các bệnh viện, trường học và văn phòng chính phủ để phản đối cuộc đảo chính.
Người dân ở Yangon, Myanmar biểu tình tẩy chay đảo chính - Ảnh: Reuters
Những lời hứa hôm 8-2 của lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing rằng cuối cùng sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới tiếp tục vấp phải sự phản đối. Ông đã lặp lại những cáo buộc gian lận chưa được chứng minh trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái dẫn đến chiến thắng cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu” - một tuyên bố từ nhà hoạt động thanh niên Maung Saungkha kêu gọi thả các tù nhân chính trị. Các nhà hoạt động cũng đang tìm cách bãi bỏ một bảng hiến pháp cho phép quân đội phủ quyết trong quốc hội.
Sau khi hàng chục nghìn người xuống đường khắp Myanmar, lệnh địa phương cấm tụ tập trên 4 người đã được áp dụng. ở hai thành phố lớn nhất là Yangon và Mandalay.
Làn sóng biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra gây áp lực lên chính quyền quân đội - Ảnh: Reuters
New Zealand đình chỉ quan hệ với Myanmar để tẩy chay đảo chính
Hôm 9-2, Reuters đưa tin chính quyền New Zealand đang đình chỉ mọi liên lạc cấp cao với Myanmar và áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các nhà lãnh đạo quân sự của nước này sau cuộc đảo chính tuần trước.
Thủ tướng New Zealand – bà Jacinda Ardern đã công bố quyết định trên.
New Zealand cũng sẽ đảm bảo chương trình viện trợ của mình sẽ không bao gồm các dự án được chuyển giao hoặc hưởng lợi từ chính phủ quân sự, Ardern nói trong một cuộc họp báo.
“Thông điệp mạnh mẽ của chúng tôi là chúng tôi sẽ làm những gì có thể từ đây ở New Zealand và một trong những điều chúng tôi sẽ làm là đình chỉ cuộc đối thoại cấp cao đó ... và đảm bảo rằng bất kỳ khoản tài trợ nào chúng tôi đưa vào Myanmar sẽ không hỗ trợ cho chế độ quân sự dưới bất kỳ hình thức nào” – bà Ardern nói.
Thủ tướng New Zealand – bà Jacinda Ardern - Ảnh: Reuters
Bà cho biết chương trình viện trợ của New Zealand trị giá khoảng 30 triệu USD từ năm 2018-2021 dành cho Myanmar.
New Zealand không công nhận tính hợp pháp của chính phủ do quân đội lãnh đạo và kêu gọi quân đội trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà lãnh đạo chính trị bị giam giữ và khôi phục chế độ dân sự, Ngoại trưởng New Zealand - Nanaia Mahuta cho biết trong một tuyên bố riêng.
Mahuta cho biết chính phủ cũng đã đồng ý thực hiện lệnh cấm đi lại, sẽ được chính thức hóa vào tuần tới đối với các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar.
(CAO) Hôm 8-2, Reuters đưa tin đã có thêm các nhà sư và nhân viên y tá tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại cuộc đảo chính ở Myanmar. Cảnh sát đã phun vòi rồng vào người biểu tình để trấn áp.