(CAO) Hôm 25-7, CNN dẫn thống kê từ Liên Hiệp Quốc ước tính có hơn 10.000 người bị ảnh hưởng khi đập thuỷ điện bị vỡ ở khu vực nam Lào.
Đến nay vẫn chưa thống kê được chính xác bao nhiêu nhà cửa bị cuốn trôi theo dòng lũ sau tai nạn. Cả một vùng rộng lớn bị dòng nước có màu nâu bùn bao phủ. Những người sống sót trèo lên mái nhà. LHQ cho biết có khoảng 20 người được tin đã chết, nhiều người vẫn đang mất tích. Số người chính xác bị ảnh hưởng chưa thể thống kê được.
Con đập Xepian Xe Nam Noy nằm trong dự án thuỷ điện trị giá 1,2 tỷ USD đã bất ngờ đổ sập khi đang trong quá trình xây dựng vào lúc 20h ngày 23-7. Vỡ đập bất ngờ khiến 5 tỷ mét khối nước tràn xuống làm úng ngập một vùng rộng lớn ở tỉnh Attapeu.
Chính quyền Lào thống kê có khoảng 140.000 người sống gần hệ thống sông cung cấp nước cho đập thuỷ điện này.
Văn phòng điều phối Dân cư LHQ tại Lào ước tính có khoảng hơn 11.777 người bị ảnh hưởng vì vụ vỡ đập, 6.000 người phải sơ tán.
Vientiane đang nỗ lực kêu gọi giúp đỡ các nhu yếu phẩm, nước, thuốc men và quần áo cho cư dân bị ảnh hưởng tại ít nhất 6 ngôi làng thuộc huyện Sanamxay của tỉnh Attapeu.
Đến nay sau 1 ngày vụ việc được truyền thông quốc tế biết đến, chính quyền vẫn chưa cung cấp bất kỳ thông tin chính thức nào về việc con đập bị hư hại ra sao, nguyên nhân gây vỡ đập hoặc khi nào nước lũ được dự báo dâng trở lại.
Khu vực huyện Sanamxay, nơi xảy ra vụ vỡ đập - Ảnh: CNN
Công ty điện lực Ratchaburi (Thái Lan), một trong những bên tham gia xây đập cho rằng mưa không ngớt những ngày qua ở khu vực này là nguyên nhân làm cho mực nước trong đập dâng nhanh gây áp lực tràn và vỡ đập.
Tại tỉnh Attapeu, năng lượng thuỷ điện là một trong 2 trụ cột của nền công nghiệp tỉnh này. Nhóm vận động Các dòng sông quốc tế - có trụ sở tại Mỹ nhận định: “Vụ việc làm dấy lên những câu hỏi lớn về tiêu chuẩn xây dựng các con đập và tính an toàn của các con đập tại Lào. Nó bao gồm cả những quy chuẩn an toàn để đối phó với các điều kiện thời tiết và những rủi ro”.
Lào đang đứng trước thế lưỡng nan khi xây dựng nhiều con đập trên hệ thống sông Mê Kông. Một mặt xây đập chắn dòng sẽ chung cấp năng lượng cho như cầu phát triển nhưng nó cũng gây ra khả năng phá huỷ môi trường và hệ sinh thái, đe doạ đến việc đánh bắt thuỷ hải sản trên sông.
Người dân phải trèo lên mái nhà khi con đập vỡ khiến nước dâng cao - Ảnh: AP
Sông Mê Kông và hệ thống chi lưu, phụ lưu của nó là nguồn cung cấp sinh kế cũng như an ninh lương thực trong vùng. Xây nhiều đập làm thay đổi dòng chảy, không chỉ gây ra những nguy cơ tai nạn như trên mà còn làm thay đổi tập tính của các sinh vật, làm giảm lượng thuỷ sản khiến những ngư dân lâm cảnh khốn cùng.
Người dân được sơ tán đến một cơ sở sau khi xảy ra vỡ đập - Ảnh: Getty Images