(CAO) Theo SCMP ngày 23-7 cho biết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phải yêu cầu điều tra khẩn cấp vụ bê bối vắc xin không đạt chuẩn.
Các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã rất tức giận trước scandal vắc xin dỏm. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói: "Đảm bảo an toàn dược phẩm cho người dân là trách nhiệm bắt buộc của các cấp đảng và chính quyền, phải coi sức khỏe của nhân dân là ưu tiên hàng đầu. Đây là một hành động đê hèn và sẽ được xử lý nghiêm".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất tức giận với scandal văc xin dỏm lần này - Ảnh: Getty
Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố: "Chúng tôi sẽ điều tra và xử lý thật nặng tất cả những người có liên quan. Đây không chỉ đơn giản là việc sản xuất vắc xin giả, sai sót sẽ được xét tới cả khâu giám sát".
Scandal vắc xin dỏm ở Trung Quốc bắt nguồn từ 252.600 liều vắc xin được Công nghệ sinh học Trường Sinh ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm bán ra thị trường. Hiện chưa rõ số lượng trẻ em được tiêm loại vắc xin phòng bệnh này. Lô vắc xin dỏm được dùng để tiêm ngừa các bệnh cho trẻ em như: bạch hầu, ho gà, uốn ván,... Vụ việc chỉ được phát hiện khi cơ quan quản lý thuốc trung ương bất ngờ kiểm tra và phát hiện một công ty ở Thâm Quyến đã làm giả giấy tờ sản xuất 113.000 liều vắc xin phòng bệnh dại.
Hiện chưa thể xác định có bao nhiêu trẻ bị tiêm phòng vắc xin dỏm - Ảnh: RT
Lin, cha của bé gái bị tiêm vắc xin dỏm đã rất tức giận và không còn tin tưởng vào việc tiêm chủng trong nước: "Bọn họ thật độc ác! Đó không phải là thuốc dành cho người lớn. Nó dành cho những đứa trẻ yếu ớt và còn chính là tương lai của đất nước. Hẳn là sẽ rất tốn kém nhưng tôi sẽ cho bọn trẻ đi Hong Kong để tiêm ngừa".
Năm 2016, Trung Quốc cũng từng chấn động vì vắc xin không được bảo quản đúng cách và hết hạn lại được bán trái phép khắp cả nước. Trong vụ này, tổng thiệt hại ước tính lên tới 84 triệu USD, với hơn 200 người đã bị bắt giữ. Tháng 11-2017, hơn 400.000 liều vắc xin DPT kém chất lượng được cung cấp cho tỉnh Hà Bắc và thành phố Trùng Khánh. Cho đến giờ công ty cung cấp vẫn chưa bị trừng phạt.
Bê bối vắc xin lớn nhất ở Trung Quốc xảy ra năm 2010, khi liên tục trong 3 năm, hàng trăm trẻ em ở tỉnh Sơn Tây đã tử vong do bị tác dụng phụ từ vắc xin dỏm. Dù vậy, quan chức tỉnh Sơn Tây phủ nhận vắc xin có vấn đề.
Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc đã không còn tin tưởng vào chương trình tiêm phòng trong nước - Ảnh: RT
Cơ quan y tế tỉnh Cát Lâm chỉ phạt công ty Trường Sinh 3,4 triệu nhân dân tệ (khoảng 500.000 USD), con số không thấm vào đâu so với lợi nhuận năm ngoái mà công ty này đặt được, vào khoảng gần 570 triệu nhân dân tệ.