(CAO) Hôm 26-6, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin chính quyền Mỹ gần đây đang gây áp lực lên đồng minh Hàn Quốc khi cảnh báo Seoul sẽ mất quyền tiếp cận các tin tức tình báo mà Mỹ có được về Triều Tiên, để hai bên phối hợp kiểm định thông tin nếu Hàn Quốc không “cấm cửa” tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei.
Động thái này tạo ra thế khó cho tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong bối cảnh ông muốn duy trì mối quan hệ cân bằng với đồng minh Mỹ và đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc.
Từ trước đến nay, vì là đồng minh thân cận của Mỹ ở Châu Á nên Hàn Quốc cùng nhau hợp tác chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ nhằm mục đích giám sát nhất cử nhất động của Triều Tiên, từ thời kỳ kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950 -1953) đến nay.
Hàn Quốc hiện đang có 28.500 quân Mỹ đồn trú để phối hợp chống lại hành động khiêu khích từ Triều Tiên.
SCMP dẫn lời Kim Jong-ha– một chuyên gia an ninh ở đại học Hannam (Hàn Quốc) cho biết: “Nhiều người Hàn Quốc hiện nay đang rất lo ngại nếu chính quyền tổng thống Moon Jae-in không tham gia vào chiến dịch chống Huawei do Mỹ dẫn đầu. Xa hơn, điều này có thể dẫn đến sự đổ vỡ của mối quan hệ liên minh”.
Các quan chức Mỹ cũng đã “đánh tiếng” về điều này. Trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ báo Hàn Quốc – Donga, quan chức cấp cao của Bộ quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực - Randall Schriver cảnh báo: “Mỹ không muốn thấy tình huống phát sinh khi chúng tôi không còn tự tin để chia sẻ thông tin nhạy cảm với đồng minh của mình và thông tin đã được bảo vệ”.
Tổng thống Mỹ Doanld Trump trong lần gặp mặt tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in tại Nhà Trắng - Ảnh: Tân Hoa Xã
Khi được hỏi liệu có vấn đề khó khăn nào nảy sinh khi chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên với Hàn Quốc hay không, nếu Seoul nhất mực sử dụng công nghệ của Huawei, vị quan chức này trả lời: “Chúng tôi hy vọng tình huống như vậy sẽ không xảy ra”.
Cảnh báo trên được đưa ra vài tuần khi trước đó, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc - Harry Harris cũng đưa ra cảnh báo tương tự về công ty có trụ sở ở Thâm Quyến.
Phát biểu trên tờ Chosun của Hàn Quốc hôm 7-6, đại sứ Mỹ cho biết: “Mỹ không muốn để lộ thông tin an ninh nhạy cảm ở mức độ rủi ro không thể chấp nhận được” và sẽ “phải đánh giá lại cách thức Mỹ chia sẻ thông tin với các nước đồng minh”.
Đến nay, Hàn Quốc vào tháng 4 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên Thế giới đưa vào vận hành mạng viễn thông 5G trên toàn quốc, để ngỏ khả năng sử dụng công nghệ của Huawei để thiết lập hệ thống này cho các công ty viễn thông địa phương.
Binh sĩ Mỹ - Hàn trong 1 lần tập trận chung - Ảnh: AP
Hiện nay, trong 3 nhà mạng chủ chốt của Hàn Quốc, nhà mạng có quy mô nhỏ nhất: LG Uplus đã khai thác các trạm gốc và máy phát sóng viễn thông do Huawei sản xuất, sử dụng cho dịch vụ của mình. Trong khi các hãng khác chọn thiết bị từ Samsung Electronics, Ericsson và Nokia.
Các quan chức ẩn danh của chính quyền Hàn Quốc nhấn mạnh với tờ SCMP rằng hệ thống viễn thông có sử dụng công nghệ của Huawei sẽ không kết nối vào hệ thống được quân đội Mỹ và Hàn Quốc sử dụng.
Cuối tuần này, ông Trump sẽ sang Hàn Quốc bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước để bàn về chủ đề chính yếu là phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.