(CAO) Một sự kiện ngoại giao đang được cộng đồng quốc tế theo dõi sát là chuyến thăm của nhà vua Ả Rập Saudi Salaman đến Mỹ.
Trong cuộc gặp song phương hôm 4-9, vua Salaman nhấn mạnh ông “hài lòng với đảm bảo của tổng thống Mỹ Obama rằng thỏa thuận hạt nhân đạt được gần đây với Iran không gây nguy hiểm cho các quốc gia vùng Vịnh”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir cũng thể hiện thái độ “hài lòng khi thỏa thuận hạt nhân Iran góp phần vào an ninh và ổn định của khu vực Trung Đông”.
Ngoại trưởng Adel al-Jubeir hy vọng Iran khi được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ dùng thuận lợi này để phát triển đất nước hơn là “tham gia vào các hoạt động bất chính trong khu vực”.
Từ trước đến nay Ả Rập Saudi luôn phản đối thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước phương Tây, xem đó là chiêu “câu giờ” để nước này có đủ thời gian làm giàu uranium sản xuất vũ khí nguyên tử.
Khi thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được, Ả Rập Saudi lại lo sợ các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ sẽ giúp Tehran có điều kiện hỗ trợ các nhóm chiến binh và gây bất ổn trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Obama trấn an nhà vua Ả Rập Saudi Salaman (trái) về thỏa thuận hạt nhân Iran trong cuộc gặp ngày 4-9 - Ảnh: AP
Vì vậy trong chuyến thăm lần đầu tiên đến Mỹ dưới cương vị vua Ả Rập Saudi, nhà vua Salaman không chờ gì hơn các cam kết đảm bảo từ tổng thống Obama rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran là “an toàn”.
BBC dẫn lời ngoại trưởng Adel al-Jubeir nói về nội dung cam kết của Obama: “ tổng thống Mỹ đã giải thích và khẳng định với chúng tôi rằng thỏa thuận hạt nhân nhằm ngăn cản Iran sở hữu vũ khí nguyên tử, cho phép thực thi một chế độ thanh tra nghiêm ngặt các cơ sở hạt nhân, và cho phép áp lại các lệnh trừng phạt nếu Iran vi phạm các điều khoản cam kết trong thỏa thuận này”.
Những điều Obama nói không mới. Ông đã nhắc lại nội dung thỏa thuận nhiều lần với những quốc gia còn nghi kị với Iran như Ả Rập Saudi hay Israel. Tuy nhiên bảo đảm của Mỹ vẫn chưa đủ để các quốc gia vùng Vịnh thật sự an tâm.
Washington bên cạnh đó phải áp dụng hàng loạt biện pháp để trấn an các đồng minh vùng Vịnh. Từ việc hợp tác với các quốc gia này để phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo, cùng tham gia các cuộc tập trận quy mô lớn, hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng đến việc tham gia vào các hoạt động hàng hải nhằm “ngăn chặn các lô hàng chở vũ khí trái phép của Iran”.
Mỹ đang ngoại giao bằng cách trấn an các đồng minh. BBC dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định hôm 2-9:“chúng tôi xác định rằng những người bạn của chúng tôi ở vùng Vịnh sẽ nhận được hỗ trợ chính trị và quân sự (từ Mỹ) khi họ cần”.
Những cái bắt tay, nụ cười vui vẻ của nhà vua Ả Rập Saudi Salaman và Obama trước ống kính truyền thông tuy vậy không thể khỏa lấp bất đồng sâu sắc giữa họ về vấn đề hạt nhân Iran.