Mỹ siết thị thực cấp cho nhà báo Trung Quốc giữa căng thẳng

Thứ Bảy, 09/05/2020 13:45  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 9-5, Reuters đưa tin chính quyền Mỹ vừa ban hành một quy định mới nhắm vào việc siết lại hoạt động cấp thị thực (visa) cho các nhà báo Trung Quốc nhập cảnh vào nước này.

Washington cho biết động thái trên nhằm trả đũa việc các nhà báo Mỹ bị đối xử bất công ở Trung Quốc. Đây là động thái mới nhất cho thấy căng thẳng đang ngày một leo thang giữa hai quốc gia vì dịch coronavirus.

Mỹ - Trung trong những tháng qua đã thực hiện ngoại giao “ăn miếng trả miếng” nhắm vào các nhà báo. Vào tháng 3, Trung Quốc trục xuất các nhà báo đến từ 3 tờ báo của Mỹ đồn trú đưa tin ở Trung Quốc. 1 tháng sau, Mỹ cho biết sẽ ứng xử với 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc có văn phòng ở Mỹ như những phái bộ ngoại giao.

Một ngày sau đó Trung Quốc đã trục xuất 3 nhà báo của tờ Wall Street Journal vì một bài viết trong mục ý kiến của báo này bị Bắc Kinh tố là "mang tư tưởng “phân biệt chủng tộc”.

Mỹ siết thị thực cấp cho các nhà báo Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Quy định mới được Bộ An ninh nội địa Mỹ ban hành bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11-5 sẽ giới hạn thời hạn lưu trú của các phóng viên Trung Quốc ở mức 90 ngày. Muốn ở thêm phải làm thủ tục gia hạn. Trước đây, thị thực như vậy không cần gia hạn trừ khi phóng viên đó chuyển sang một cơ quan truyền thông hay một công ty khác.

Một quan chức cấp cao của Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết quy định mới sẽ cho phép cơ quan này xem xét lại ở mức độ thường xuyên hơn các đơn xin visa của các nhà báo Trung Quốc, hướng đến việc giảm số nhà báo Trung Quốc qua hoạt động tràn lan bên Mỹ. Vị quan chức này cho rằng đây là động thái nhằm “bảo vệ tốt hơn an ninh quốc gia”.

Tuy nhiên quy định mới không áp dụng cho các nhà báo với hộ chiếu đến từ Hong Kong và Macau, hai đặc khu kinh tế của Trung Quốc.

Căng thẳng Mỹ - Trung dâng cao trong thời gian gần đây khi dịch coronavirus chủng mới lan ra toàn cầu đã khiến hơn 269.000 người chết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tháng 4 cáo buộc coronavirus bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm virus ở Trung Quốc nhưng không đưa ra được bằng chứng nào.

Trung Quốc lẽ ra cứu được nhiều người nếu minh bạch thông tin dịch
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang