Nga nới "vòng vây" ở thủ đô Ukraine để tạo đà đàm phán

Thứ Tư, 30/03/2022 12:33  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 30-3, Reuters đưa tin chính quyền Nga hứa sẽ giảm quy mô các hoạt động quân sự xung quanh thủ đô Kyiv của Ukraine và một thành phố khác trong bối cảnh Ukraine đề xuất áp dụng quy chế trung lập như một dấu hiệu tiến triển sau các cuộc đàm phán trực tiếp.

Các cuộc đàm phán diễn ra tại một cung điện ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) sau hơn một tháng Nga đưa quân vào Ukraine, trở thành cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, khiến hàng nghìn người thiệt mạng hoặc bị thương, buộc gần 4 triệu người phải chạy ra nước ngoài.

Cuộc tấn công của Nga đã bị chững lại trên hầu hết các mặt trận bởi vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ các lực lượng Ukraine.

Trong khi đó, Nga đã bắt đầu di chuyển một số lượng nhỏ quân khỏi các vị trí xung quanh Kyiv trong một động thái mang tính chất tái bố trí lại lực lượng hơn là rút lui hoặc rút khỏi cuộc chiến, Lầu Năm Góc cho biết.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc - John Kirby phát biểu trong một cuộc họp báo: “Điều đó không có nghĩa là mối đe dọa đối với Kyiv đã kết thúc.

Tổng cộng 10 máy bay F-18 của Mỹ và hơn 200 binh sĩ đã được triển khai tới các nước thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong đó có nước láng giềng của Nga là Lithuania và quân đội Mỹ ở Ba Lan đang "liên lạc" với các lực lượng Ukraine khi bàn giao vũ khí cho họ” - ông nói.

Một toà nhà ở Kyiv trúng đạn pháo giao tranh - Ảnh: Reuters

Một số nhà phân tích lưu ý lời hứa của Nga là giảm giao tranh chủ yếu ở những khu vực mà nước này đang mất dần lãnh thổ chiếm được trên thực địa về tay Ukraine.

Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelenskiy cho biết chỉ có thể tin tưởng một kết quả cụ thể từ cuộc đàm phán.

Ông nói: “Chúng tôi có thể nói rằng những tín hiệu mà chúng tôi nhận được từ các cuộc đàm phán là tích cực, nhưng chúng không át được tiếng nổ của đạn pháo Nga”.

Các nhà đàm phán Ukraine cho biết theo đề xuất của họ, Kyiv sẽ đồng ý không tham gia các liên minh hoặc các căn cứ đóng quân của quân đội nước ngoài, nhưng sẽ được đảm bảo an ninh theo các điều khoản tương tự như Điều 5, điều khoản phòng thủ tập thể của liên minh quân sự NATO xuyên Đại Tây Dương.

Họ nêu tên Israel và các thành viên NATO là Canada, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia có thể đưa ra những bảo đảm như vậy. Mỹ, Anh, Đức và Ý cũng có thể tham gia.

Các đề xuất, đòi hỏi một cuộc trưng cầu dân ý ở Ukraine, đề cập đến thời gian tham vấn kéo dài 15 năm về hiện trạng của Crimea, được Nga sáp nhập vào năm 2014.

Số phận của khu vực đông nam Donbas, nơi Nga yêu cầu Ukraine nhượng lại cho phe ly khai, sẽ được các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga thảo luận.

Các đề xuất của Kyiv cũng bao gồm một đề xuất rằng Moscow sẽ không phản đối việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu, Vladimir Medinsky, nhà đàm phán hàng đầu của Nga cho biết. Nga trước đây đã phản đối việc Ukraine trở thành thành viên EU và đặc biệt là NATO.

Ông Medinsky cho biết phái đoàn của Nga sẽ nghiên cứu và trình bày các đề xuất với Tổng thống Vladimir Putin.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện qua điện thoại về Ukraine với các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức và Italy, thảo luận về khoản viện trợ tài chính lên tới 500 triệu USD cho Ukraine.

Trên mặt đất, các báo cáo về các cuộc tấn công vẫn tiếp tục.

Hãng thông tấn Tass cho biết, một quả đạn pháo đã bắn trúng một trại quân sự tạm thời của Nga gần biên giới với Ukraine vào cuối ngày 29-3 với dữ liệu sơ bộ cho thấy nó đã được bắn từ phía Ukraine.

Tass đưa ra báo cáo ngay sau khi một quan chức địa phương cấp cao báo cáo về một loạt vụ nổ bên ngoài thành phố Belgorod, sát biên giới với Ukraine.

Tuy nhiên, ở những nơi khác, các lực lượng Ukraine đã có những bước tiến, chiếm lại lãnh thổ từ quân đội Nga ở ngoại ô Kyiv, ở phía đông bắc và phía nam.

Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu hôm 29-3 đã trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga, một số vì cáo buộc làm gián điệp, theo lời thủ tướng Ireland là một động thái có sự phối hợp. Nga tuyên bố sẽ trả đũa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang