Nhật thải 1 triệu tấn nước ô nhiễm phóng xạ ra biển, sau khi đã xử lý

Thứ Ba, 13/04/2021 11:23  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 13-4, Reuters dẫn thông tin từ chính quyền Nhật Bản cho biết họ sẽ thải hơn 1 triệu tấn nước bị ô nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển sau khi xử lý, một động thái bị các nước láng giềng bao gồm Hàn Quốc phản đối.

Lần xả nước đầu tiên sẽ diễn ra sau khoảng hai năm, giúp nhà điều hành nhà máy – công ty Tokyo Electric Power có thời gian bắt đầu lọc nước để loại bỏ các đồng vị phóng xạ có hại, xây dựng cơ sở hạ tầng và có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Nhật Bản đã lập luận rằng việc xả nước là cần thiết để thúc đẩy quá trình ngừng hoạt động phức tạp của nhà máy sau khi nó bị tê liệt bởi trận động đất và sóng thần năm 2011. Tokyo chỉ ra rằng nước nhiễm xạ được lọc tương tự thường xuyên được thải ra từ các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới.

Gần 1,3 triệu tấn nước bị ô nhiễm đủ để lấp đầy khoảng 500 bể bơi cỡ Olympic, được chứa trong các bể chứa khổng lồ tại nhà máy Fukushima Daiichi với chi phí hàng năm khoảng 100 tỷ yên (912,66 triệu USD), trong khi không gian chứa đang cạn kiệt.

"Trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quy định đã được thiết lập, chúng tôi lựa chọn việc thải chúng ra đại dương" - chính phủ cho biết trong một tuyên bố.

Quyết định này được đưa ra khoảng ba tháng trước khi Thế vận hội Olympic hoãn được tổ chức bởi Tokyo.

Triti được coi là tương đối vô hại vì nó không phát ra đủ năng lượng để xuyên qua da người và các nhà máy hạt nhân khác trên thế giới thường xuyên bơm nước có hàm lượng đồng vị thấp vào đại dương.

Mỹ lưu ý rằng Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trong việc xử lý địa điểm này kể từ sau vụ khủng hoảng ba lò phản ứng cách đây một thập kỷ.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi - Ảnh: Reuters

“Trong tình huống độc nhất và đầy thách thức này, Nhật Bản đã cân nhắc các lựa chọn và tác động, minh bạch về quyết định của mình và dường như đã áp dụng cách tiếp cận phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được chấp nhận trên toàn cầu” - Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, những người phản đối kế hoạch vẫn lo ngại về mức độ tiềm ẩn của tritium hoặc các chất gây ô nhiễm khác. Hàn Quốc bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng rằng quyết định này có thể gây ra tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự an toàn của người dân và môi trường xung quanh của chúng tôi”. Seoul kêu gọi Nhật Bản cung cấp thêm thông tin về việc xả nước theo kế hoạch và cho biết họ sẽ đẩy mạnh việc đo đạc và giám sát phóng xạ của riêng mình.

"Sẽ rất khó để chấp nhận nếu Nhật Bản quyết định xả nước bị ô nhiễm mà không có sự tham vấn đầy đủ" – Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố. Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại.

Các nghiệp đoàn đánh cá ở Fukushima đã thúc giục chính phủ trong nhiều năm không xả nước, cho rằng nó sẽ có "tác động thảm khốc" đối với ngành công nghiệp này.

Một bài báo của tạp chí Scientific American vào năm 2014 đã báo cáo rằng khi ăn phải tritium có thể làm tăng nguy cơ ung thư, trong khi một số chuyên gia lo lắng về các chất gây ô nhiễm khác.

Ken Buesseler, một nhà khoa học cấp cao tại Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts (Mỹ) cho biết: “Mối quan tâm của tôi là về các chất ô nhiễm phóng xạ không phải chỉ có tritium vẫn còn trong các bể chứa ở mức cao. Những chất gây ô nhiễm khác này đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe lớn hơn tritium và tích tụ dễ dàng hơn trong hải sản và trầm tích đáy biển”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang