(CAO) Đó là cảnh báo của Giáo sư Greg Asner đến từ khoa Sinh thái toàn cầu thuộc Viên Khoa học Carnegie (Mỹ) sau khi ông tiến hành khảo sát thực địa cũng như phân tích các ảnh vệ tinh thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam).
CNN hôm 30-3 đưa tin quần đảo Trường Sa là một trong những hệ sinh thái san hô đa dạng nhất trên Thế giới với 600 loài san hô cũng như 6000 loài cá quy tụ ở đây. Tuy nhiên nằm giữa lòng khu vực biển đang tranh chấp nóng bỏng, nơi đây hiện có đến 15 căn cứ quân sự đặt trên các bãi đá thuộc quần đảo, đe dọa trực tiếp đến những rạn san hô.
Tranh chấp giữa 6 nước và vùng lãnh thổ ở đây. Tuy nhiên hoạt động bồi đắp, xây trái phép các đảo nhân tạo ở quy mô lớn của Trung Quốc ở Trường Sa là đáng lo ngại hơn cả.
Khoảng 3000 mẫu đất đã được Bắc Kinh bồi đắp trên 7 bãi đá cưỡng chiếm trái phép ở Trường Sa. Năm 2016, giáo sư Asner đã có chuyến đi thực địa ở đây và chứng kiến cảnh tàn phá kinh hoàng các rạn san hô ở khu vực này.
Một rạn san hô ở bãi Đá Lau (quần đảo Trường Sa) - Ảnh: Greg Asner/ CNN
Thực trạng ở đá Hoa Lau
Khi các bãi đá là rạn san hô ngầm được chuyển thành căn cứ quân sự, nó sẽ được nạo vét và những rạn san hô sẽ được sử dụng làm nền móng cho các đường băng, các tòa nhà, các khu vực thiết đặt vũ khí và những công trình khác.
Một nhà khoa học khác của Viện Carnegie cũng đã viếng thăm một trong những bãi đá là rạn san hô ngầm đang bị Malaysia kiểm soát ở phía đông nam của quần đảo Trường Sa có tên đá Hoa Lau (Swallow Reef).
Việc kết hợp giữa hoạt động khảo sát nhanh dưới nước và hình ảnh vệ tinh mới nhất được cung cấp với công ty Planet cho thấy mức độ các rạn san hô bị xâm phạm. Sau khi tiến hành phân tích ở Hoa Lau, các nhà khoa học của Viện Carnegie cũng tiến hành khảo sát ở các bãi đá khác hiện do Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia nắm giữ.
Những rạn san hô sặc sỡ thế này (chụp ở bãi Đá Lau - quần đảo Trường Sa) có nguy cơ biến mất do hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông - Ảnh: Greg Asner/ CNN So sánh những rạn san hô ở các bãi đá bị chiếm giữ và những bãi không có cho thấy rạn san hô giảm đến 70% diện tích ở những bãi đá thiết đặt các căn cứ quân sự.
Quân sự hóa ở những đảo tiền đồn khiến những rạn san hô màu sắc sặc sỡ chết dần rồi biến mất.
Chỉ trong 3 năm qua phần lớn diện tích ở các rạn san hô tại đây đã biến mất. Đến lúc các nước phải chung tay bảo vệ chúng trước khi quá muộn.
Những rạn san hô rực rỡ ở bãi Đá Lau - Ảnh: Greg Asner/ CNN
Theo CNN, Anh Duy lược dịch